CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:42

Hiểm họa tai nạn đường sắt rình rập ở Miền Trung

 

Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm gây ra nỗi đau khôn nguôi cho nhiều gia đình và xã hội nhưng chính quyền và ngành chức năng vẫn chưa đưa ra giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này.

 

Đoạn đường sắt qua thành phố Tam Kỳ, nơi bà Khoa bị tai nạn.

 

4 ngày sau cái chết của bà Võ Thị Lương Khoa, 49 tuổi, ở khối phố Trà Cai, phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, người dân địa phương vẫn còn lo sợ. Nhiều người không dám đi qua lối mòn vắt ngang đường sắt, nơi chị Khoa bị tai nạn.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, người dân địa phương cho biết, nhiều người sợ quá nên đã mở lối đi mới để ra đồng. Nhưng lối đi mới này cũng nguy hiểm không kém đường mòn cũ, vì bị cây cối che khuất 2 bên.

Một lối đi dân sinh băng qua đường sắt được bít lại thì nhiều lối đi khác lại được người dân tự ý mở ra. Đó là điều khó có thể cản ở cả thành thị lẫn nông thôn miền Trung. Bởi người dân ngại đi vòng cả cây số đến đường ngang hợp pháp, rồi quay trở lại ruộng của mình cách đó mấy chục bước chân. Ngành đường sắt cũng không thể đóng rào chắn hay lập trạm từng địa điểm như vậy. Chỉ có cách làm biển cảnh báo để lái tàu kéo còi khi qua các địa điểm này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều đoạn chưa lắp đặt biển cảnh báo.

 

Vụ tai nạn giữa xe tải và tàu hoả chiều 28-9 trên tuyến đường ngang không có biện pháp phòng vệ tự động bằng rào chắn.

Ông Trương Khuê, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dài 92km. Toàn tuyến có 61 đường ngang hợp pháp và 72 lối đi dân sinh. Trong số các đường ngang hợp pháp chỉ có 16 đường ngang là có biển cảnh báo.

“Trong 72 lối đi dân sinh thì có 15 lối đi dân sinh thiếu nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Đây là mối lo của Ban An toàn giao thông tỉnh trong khi lưu lượng, phương tiện qua lại nhiều, cùng với ý thức người tham gia giao thông, người lái xe chưa cao, thì rủi ro tai nạn giao thông tại các điểm này rất  lớn” - ông Khuê bày tỏ.

Theo quy định, tất cả đường ngang dân sinh tự phát trái phép đều phải đóng, tuy nhiên thực tế rất khó thực hiện. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 62 đường ngang hợp pháp, trong đó mới chỉ có gần một nửa có gác chắn. Trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 23 vụ tai nạn đường sắt, làm 12 người chết, 10 người bị thương. Đặc biệt, vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 10/3/2015 tại đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động trên đường sắt Bắc- Nam, đoạn qua huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị khiến lái tàu chết tại chỗ, 3 người khác bị thương, đường sắt tắt nghẽn suốt 24 giờ đồng hồ.

Trung tá Võ Viết Đính, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị cũng đã tăng cường lực lượng để xử lí các trường hợp vi phạm, nhất là khi đã có đèn tín hiệu hoặc đã kéo chắn mà vẫn cố tình vi phạm.

Tại tỉnh Bình Định, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra thời gian gần đây khiến chính quyền và ngành chức năng hết sức lo lắng. Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương đầu tư xây dựng, nâng cấp 10 đường ngang có gác chắn và biển báo tự động. Trên địa bàn tỉnh hiện có 156 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, trong đó 44 đường dân sinh và 112 lối đi. Đây là những nơi dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Bình Định cho biết: “Đường dân sinh nào phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân thì chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương phải tổ chức để người dân qua lại cho thuận tiện. Đối với những đường ngang dân sinh nào mà không phục vụ nhu cầu thiết yếu mà tiềm ẩn tai nạn giao thông thì chúng tôi kiên quyết cùng với ngành đường sắt tổ chức rào chắn; Đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư từ đường dân sinh nâng cấp thành đường ngang”.

 

Vụ tai nạn tại tỉnh Bình Định ngày 28/ 9.

 

Hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh miền Trung đầu tư làm gờ giảm tốc, cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên các quốc lộ, tỉnh lộ; Kiên quyết xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông; chấm dứt và xóa các đường dân sinh tự phát cắt qua đường sắt; phối hợp với địa phương vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp kinh phí xây dựng đường gom, làm rào chắn song song với đường ray tàu hỏa đi qua các khu vực dân cư, đô thị…

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh