THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:16

Nghĩa trang vô danh của 100 nạn nhân tai nạn đường sắt

 

Trong cái nắng khô khốc, con đường đất đỏ bụi mù men theo tuyến đường sắt Bắc - Nam dẫn vào khu vườn điều heo hút thuộc xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Nằm nép bên con đường mới mở, "nghĩa trang đường sắt 17/3/1982" hiu quạnh với gần trăm bia mộ "vô danh". Đây là nơi nằm lại vĩnh viễn của hơn 200 nạn nhân vụ tai nạn đường sắt thảm khốc nhất trong lịch sử Việt Nam cách đây 34 năm.

 

Khu nghĩa trang được sửa sang khang trang từ cuối năm 2015. Ảnh: Phước Tuấn

Khu nghĩa trang được sửa khang trang từ cuối năm 2015. Ảnh: Phước Tuấn.


Vừa cắm xong những nén nhang cho các ngôi mộ vô danh còn lại ở nghĩa trang, ông Nguyễn Kim Hoạt (82 tuổi, xã Tây Hòa) nói, vụ tai nạn hơn 30 năm trước đã ám ảnh ông cũng như bao người dân vùng này.

Sáng hôm đó, trời chưa sáng hẳn, ông Hoạt cùng người dân trong khu vực nghe tiếng "ầm" rất lớn ở ngoài tuyến đường sắt. Chạy ra, người đàn ông khi đó 48 tuổi không thể tin vào mắt mình khi thấy hơn 10 toa tàu lật, đầu kéo bay lên cao tít con đồi phía trước, chỉ còn 3 toa tàu cuối nằm nguyên trên đường ray. Hàng hóa bay tung tóe, người chết nằm la liệt, số còn sống thì hoảng loạn kêu cứu.

Lực lượng cứu hộ được huy động để đưa những người bị thương đi cấp cứu, người chết thì để lại tại một bãi đất trống. Do người bị thương quá nhiều nên những xe chạy ngang trên quốc lộ đều được chặn lại để nhờ hỗ trợ. "Thi thể nào có giấy tờ và thân nhân đến nhận thì được chuyển đi ngay, còn lại sẽ đưa về khu rẫy hoang vắng cách hiện trường chừng 3 km", cụ ông kể.

Nhiều giờ sau, nhiều thanh niên trai tráng và đàn ông ở xã Tây Hòa được phân công đào hơn 200 huyệt mộ tại khu rẫy. "Chúng tôi đào từ sáng đến chiều mà vẫn không mệt. Khi các nạn nhân được đưa đến chỉ chừng hơn 100 người, huyệt mộ đào dư được lấp lại. Dù kiểm tra cẩn thận nhưng hầu hết họ đều không có giấy tờ tùy thân, một vài người có tên tuổi lại khuyết địa chỉ nên mọi người đành phải chôn, đến gần khuya mới xong", ông Hoạt nhớ lại.

 

Con đường sắt đi qua ga Bàu Cá đã được chuyển dịch qua 500 mét. Ảnh: Phước Tuấn

Con đường sắt đi qua ga Bàu Cá đã được chuyển dịch qua 500 m. Ảnh: Phước Tuấn.


Theo thời gian, nghĩa trang có tên được gắn với ngày xảy ra tai nạn - "nghĩa trang đường sắt 17/3/1982" dần dần đi vào quên lãng. Bụi cỏ, cây cối mọc um tùm như một vùng rừng hoang vắng không ai dám lại gần. 10 năm sau, ngành đường sắt cho xây dựng khuôn viên với tường rào thấp và cổng nghĩa trang nhưng rồi cũng bị cây rừng khỏa lấp.

Theo cụ Hoạt, từ năm 2010 có rất nhiều người đến tìm thân nhân nhưng chỉ một số ít có tên được bốc về quê, còn lại đều mất dấu vết nên không thể nhận dạng. Ba năm trước, ông đứng ra vận động người dân trong xóm chặt cây, dọn dẹp lại nghĩa trang. "Chúng tôi cho xây lại bờ rào, đúc gần 100 bia mộ vô danh đồng thời sơn lại tên 'nghĩa trang đường sắt 17/3/1982' trước cổng để người dân biết", ông Hoạt nói.

Cứ thế mỗi năm đều đặn vào ngày giỗ, rằm... cụ Hoạt cùng người dân trong xóm thay phiên nhau ra nghĩa trang thắp cho các linh hồn xấu số nén nhang đồng thời nhổ cỏ, sửa sang cho tươm tất. Đến tháng 10 năm ngoái, Tổng Công Ty đường sắt Việt Nam cho xây lại toàn bộ tường rào và sơn lại cổng nghĩa trang cho dễ nhận biết.

Cùng với ông Hoạt và người dân địa phương, bà Trần Thị Cẩm (ngụ TP Hồ Chí Minh) cũng đã góp công lớn trong việc phục dựng nghĩa trang vô danh. Bà cũng là tác giả của những vần thơ xúc động về vụ tai nạn thảm khốc:"Có một đoàn tàu không trở về ga / Lao mình trong đêm dốc quanh tàu lật / Bàu Cá năm nào máu loang đỏ đất / Người mất vô danh nằm lại Tây Hòa".

Bà Cẩm cho biết, năm đó, người anh trai dẫn vợ mang bầu từ TP Hồ Chí Minh về Nha Trang thăm ngoại, khi vào thì gặp nạn. "Ngày trước hoàn cảnh kinh tế và đi lại khó khăn, khi gia đình biết tin thì đã muộn nên chỉ lên các bệnh viện hỏi thăm chứ không về hiện trường", bà Cẩm ngậm ngùi. 

Năm 2013, sau hơn 30 năm, bà Cẩm trở về lại hiện trường vụ tai nạn năm xưa tìm kiếm mồ mả vợ chồng anh trai và được người dân chỉ đến khu nghĩa trang hoang lạnh vắng vẻ với gần 100 ngôi mộ vô danh.

"Trong số những nạn nhân xấu số, người dân cho biết có đôi vợ chồng trẻ, người vợ mang bầu. Tôi tin đó là vợ chồng anh trai mình nhưng không biết nằm đâu trong số những ngôi mộ vô danh", bà kể và cho biết từ đó thi thoảng vẫn đến thắp nhang cho anh trai và các nạn nhân vô danh.

Ông Hoạt vẫn thường xuyên lui tới hương khói cho các nạn nhân. Ảnh: Phước Tuấn

Ông Hoạt thường xuyên lui tới hương khói cho các nạn nhân vô danh. Ảnh: Phước Tuấn.

Từ nghĩa trang vô danh, ngược theo con đường sắt theo hướng Nam - Bắc chừng 3 km, nơi xảy ra tai nạn 34 năm trước, giờ là rẫy vườn chôm chôm của người dân. Cạnh đó là khu chợ xép thuộc xã Hưng Thịnh, bên cạnh ga Bàu Cá cũ.

Con đường sắt ngoằn nghèo hình chữ C vẫn còn đó nhưng đã được uốn thẳng hơn, di dời ra chừng 500 m. Một ngôi miếu nhỏ bên cạnh con đường liên xóm được người dân xây cất để thờ các nạn nhân xấu số. "Ngày trước ngành đường sắt dựng lên cái miếu nhỏ bằng gỗ cho người dân qua lại hương khói nhưng mấy năm trở lại đây có người trúng số đã sửa sang khang trang hơn", ông Nguyễn Thành Sơn, người trông coi miếu thờ, nói.

 

Khoảng 5h ngày 17/3/1982, chuyến tàu chở đầy người và hàng hóa mang số hiệu 183 từ Nha Trang đi Sài Gòn. Khi đến khúc cua ga Bàu Cá, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, đoàn tàu bị lật làm 10 trong số 13 toa tàu văng ra khỏi đường ray. Tai nạn thảm khốc khiến lái tàu, nhân viên và hơn 200 hành khác tử vong. Nguyên nhân vụ tai nạn được ngành đường sắt cho là do tàu mất thắng, khi đến gặp khúc cua gấp khiến tàu lật.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh