Hệ lụy từ nghỉ việc theo cảm xúc
- Bài thuốc hay
- 06:17 - 06/10/2023
Thực tế ghi nhận, một bộ phận lao động trẻ hiện nay tuy năng động, sáng tạo nhưng thường đặt nặng cái tôi và cảm xúc trong công việc, dẫn đến nhiều quyết định nghỉ việc theo hướng cảm tính.
Nghỉ việc theo cảm xúc dễ dẫn đến tình huống không hay như: Nghỉ ngang, lôi kéo, kích động đồng nghiệp nghỉ theo, hay có những trường hợp nghỉ mà không bàn giao công việc, xóa hết dữ liệu của nơi mình làm việc. Đa phần những hành động này đến từ cảm xúc tiêu cực và suy nghĩ chưa chín chắn.
Ông Trịnh Hồng Khánh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kế toán Thuế Ba Miền TP.HCM lo ngại vì vấn đề này đang tồn đọng ngay trong chính doanh nghiệp của mình: “Thế hệ Gen Z bị ảnh hưởng tâm lý bởi mạng xã hội và những người đồng trang lứa, khiến các bạn dễ so sánh lương thấp hay cao, môi trường làm việc áp lực hay không. Đây là một thực trạng đáng lo ngại cho thế hệ lao động tiếp nối”.
Thạc sĩ Huỳnh Trần Hoài Đức, Chuyên gia tâm lý khuyên: “Hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân nào dẫn đến cảm xúc tiêu cực này, như: Nguyên nhân từ môi trường làm việc, không tìm được hứng thú đối với công việc hay từ những mâu thuẫn, bốc đồng đối với đồng nghiệp. Xem thử trong những nguyên nhân đó, nguyên nhân nào chúng ta có thể khắc phục được và nguyên nhân nào không gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Nếu nguyên nhân đó không ảnh hưởng đến tương lai, lý tưởng nghề nghiệp của mình thì hãy tìm một lý do để lướt qua nó”.
Nghỉ việc theo cảm xúc cùng những hành động kém văn minh sẽ khiến chúng ta khó có thể tìm được công việc tốt hơn và có xu hướng lặp lại hành động không hay ở nơi làm việc mới. Để không đánh mất cơ hội việc làm, hình ảnh và giá trị bản thân, hãy hành xử chuẩn mực, văn minh khi quyết định nghỉ việc ở một nơi nào đó.