THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:48

Nghệ An: Nhiều cơ hội việc làm cho lao động

Hiện nay, Nghệ An có  5 Khu công nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển thêm gần 50.000 lao động. Vì vậy, yêu cầu về chất lượng đối với lao động cũng tăng lên.Nhu cầu lao động tăng cao tại Nghệ An. Đến nay, các doanh nghiệp đã bước vào thời kỳ phục hồi và phát triển sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng tăng cao. Với tốc độ phát triển nhanh của các dự án trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về lao động cũng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, điện tử,... mang đến rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Nghệ An hiện nay đang có hơn 14.600 doanh nghiệp đang hoạt động, có nhu cầu tuyển dụng lao động mỗi năm lên đến gần 50.000 lao động.  Thấu hiểu được tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội của địa phương, Nghệ An đã chú trọng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cùng những cơ chế ưu đãi và khuyến khích. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất, thành lập các doanh nghiệp, phát triển khu công nghiệp,...

Đồng thời tỉnh Nghệ An cũng chú trọng nắm bắt thông tin, kết nối cung - cầu lao động. Đặc biệt, phối hợp với các địa phương nhằm tạo sự kết nối và liên thông cung ứng chuỗi lao động nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm việc làm tốt hơn. Về phía chính quyền địa phương sẽ tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn cũng như nhu cầu tìm việc của người lao động để cùng trung tâm kết nối cung cầu lao động. Đối với người lao động thì khuyến khích chủ động đăng ký tìm việc làm tại địa phương và các kênh tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh để có thể nắm bắt thông tin vị trí việc làm, ổn định cuộc sống. 

Trong năm 2023, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã chỉ đạo Trung tâm việc làm chuẩn bị một số hoạt động nhằm kết nối doanh nghiệp và người lao động. Tiến hành chủ động khảo sát, kết nối với các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp trong tỉnh nhằm giới thiệu việc làm phù hợp cho người lao động. Tổ chức liên kết với các trường, trung tâm đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh giúp đa dạng ngành nghề cho người lao động có thêm cơ hội để nâng cao trình độ kỹ năng nghề và tìm kiếm việc làm,... 

Đồng thời, tổ chức thêm các Hội chợ việc làm, các chương trình tư vấn, các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các vùng sâu, xa,...hỗ trợ người lao động sớm có việc làm. Dự kiến trong năm 2023, Trung tâm sẽ tổ chức 03 hội chợ/ ngày hội làm việc và 120 phiên giao dịch việc làm nhằm tuyên truyền, tư vấn và kết nối việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã giải quyết việc làm mới cho 26.950 lao động, đạt 62,67% kế hoạch; trong đó xuất khẩu lao động được 11.500 người, đạt trên 79% kế hoạch đề ra. Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 14.639 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 310.000 lao động. Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. 6 tháng đầu năm 2023, có 32 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động, chủ yếu lĩnh vực may mặc, da giày, điện tử 6.237 lao động bị giảm giờ làm, 2.307 lao động chấm dứt hợp đồng lao động) do bị giảm đơn hàng; một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thời điểm phải bố trí cho lao động ở một số bộ phận nghỉ không hưởng lương… Lao động bị ảnh hưởng chủ yếu trong ngành dệt may, da giày, linh kiện điện tử...”

“Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do đơn hàng sụt giảm bất ngờ và nhiều doanh nghiệp bị mất thị trường tiêu thụ sản phẩm nên buộc doanh nghiệp phải giảm lao động hoặc phải giảm giờ làm. Nguyên nhân được chỉ ra là do sức hấp dẫn về thu nhập của doanh nghiệp Nghệ An còn thấp. Thu nhập bình quân của người lao động trong tỉnh khoảng 6,3 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân của người lao động trên cả nước là 7 triệu đồng/tháng. Một nguyên nhân nữa là lao động trong tỉnh đang rất tích cực tham gia các thị trường lao động nước ngoài do sức hút về thu nhập gấp 5-8 lần thu nhập trong nước. Thứ 3 là hiện nay, các doanh nghiệp FDI thường ưu tiên lao động biết ngoại ngữ trong khi lao động phổ thông của tỉnh có trình độ ngoại ngữ khiêm tốn. Chưa kể các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp của tỉnh còn gặp khó khăn về nhà ở, nhà trọ, chưa có các tuyến xe buýt... Hiện có 318 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển 49.368 lao động, tăng 28% so với cùng kì. Trong đó có 290 doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng trên 20.981 lao động,28 doanh nghiệp ngoại tỉnh có nhu cầu tuyển 28.387 lao động. Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An là rất lớn. Riêng các khu công nghiệp: VSIP I, Nam Cấm, Bắc Vinh; WHA, Hoàng Mai I và Hoàng Mai II và Khu công nghiệp Thọ Lộc với các dự án đang triển khai như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT, Foxconn, Huali,… cần khoảng hơn 40.000 lao động” – ông Đoàn Hồng Vũ thông tin thêm.

Người lao động được tư vấn việc làm

Người lao động được tư vấn việc làm

Qua đó cho thấy Nghệ An có cơ số vị trí việc làm đáp ứng nhu cầu cho người lao động, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Riêng 5 Khu công nghiệp trên địa bàn Nghệ An có nhu cầu tuyển thêm từ 4 - 50.000 lao động. Giải pháp đưa ra là phải tập trung thực hiện đầy đủ các chính sách để người lao động có thể lựa chọn thị trường lao động; tạo điều kiện tối đa để kết nối cung cầu lao động. Thông tin đầy đủ về vị trí việc làm doanh nghiệp có nhu cầu đến với người lao động thông qua hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm, mạng xã hội, thông tin bằng văn bản qua hệ thống từ tỉnh xuống huyện, xã và xuống dân, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua loa truyền thanh…

Tăng cường đào tạo nâng cao tỉ lệ lao động có nghề. Thực hiện tốt các chính sách cho người lao động và khuyến khích người lao động tham gia các thị trường như xuất khẩu lao động, hỗ trợ lao động việc làm và thực hiện các chính sách khác... Quan tâm nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi, hệ thống sinh hoạt cũng như quản lí giá cả ở những nơi tập trung đông công nhân lao động…

Bên cạnh đó, bằng nhiều giải pháp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, lần đầu tiên, Nghệ An đứng top 10 các địa phương thu hút vốn FDI, vì vậy tác động tích cực đến thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội. Để thực hiện tốt công tác tạo việc làm, hỗ trợ cho người lao động trong những tháng cuối năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nắm chắc tình hình lao động Nghệ An làm việc tại các tỉnh, thành và lao động các tỉnh thành tại Nghệ An. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt kết nối giữa doanh nghiệp, người lao động và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

“Trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT và trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.  Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với doanh nghiệp, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động. Đào tạo thông qua đặt hàng của doanh nghiệp nơi người lao động được tiếp nhận vào làm việc. Xây dựng khung chương trình để người học và người sử dụng lao động tham gia chủ động vào đánh giá chất lượng đào tạo.

Đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các doanh nghiệp. Xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho một số ngành, nghề trong đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và ban hành giá dịch vụ giáo dục nghề nghiệp để đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo. Tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động” – Giám đốc Đoàn Hồng Vũ nhấn mạnh.

THU HƯƠNG

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh