THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:56

Hành trang tâm lý học trực tuyến cho trẻ vào lớp 1: Thầy cô thấu hiểu, cha mẹ đồng hành

Bước chân vào lớp 1 là dấu mốc quan trọng của cuộc đời mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, học trực tuyến vẫn là một giải pháp cần thiết.

Tại Tọa đàm trực tuyến "Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến" sáng 3/9, các chuyên gia đã trao đổi về những cách thức để chuẩn bị tâm thế học tập trực tuyến cho lứa tuổi này. 

Hành trang tâm lý học trực tuyến cho trẻ vào lớp 1: Thầy cô thấu hiểu, cha mẹ đồng hành - Ảnh 1.

Giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ

Trong bối cảnh toàn xã hội đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19 và ngành giáo dục đang ráo riết thực hiện công cuộc chuyển đổi số, chủ trương tạo lập kênh trực tuyến của ĐHQGHN nhằm hỗ trợ giáo dục tiểu học, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa đã và đang thu hút sự chia sẻ, quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng.

Chương trình thu hút sự quan tâm, theo dõi và tương tác của hơn 3.600 giáo viên, phụ huynh trên cả nước.

Hàng trăm lượt câu hỏi của giáo viên và phụ huynh đã được gửi tới. Nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên và phụ huynh xoay quanh vấn đề ổn định tâm lý, tăng sự tập trung cho trẻ mầm non bước vào lớp 1. Ngoài ra, việc chuẩn bị hành trang kỹ năng hay có nên cho con học trước các kiến thức lớp 1 cũng được các giáo viên và phụ huynh đặt ra cho các chuyên gia.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng bàn thảo về việc thiết kế bài học trực tuyến, phương pháp sư phạm và gợi ý tổ chức hoạt động cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh lớp 1 nhằm giúp giáo viên bậc Tiểu học có cái nhìn thực tế hơn, đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo trẻ được tốt hơn.

Nêu ra những khó khăn của học sinh lớp 1 khi phải học trực tuyến và những cách thức giúp các con vượt qua trở ngại tâm lý, trong đó nhấn mạnh vai trò của các thầy cô giáo và cha mẹ giúp các con sẵn sàng vào năm học mới, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN nhấn mạnh, để có thể dạy học trực tuyến hiệu quả, cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ, và cần có "những chiến lược phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường giúp con vượt qua trở ngại tâm lý để sẵn sàng cho việc học trực tuyến".

Hành trang tâm lý học trực tuyến cho trẻ vào lớp 1: Thầy cô thấu hiểu, cha mẹ đồng hành - Ảnh 2.

"Hậu cần" kết nối buổi tọa đàm trực tuyến, thu hút sự quan tâm, theo dõi và tương tác của hơn 3.600 giáo viên, phụ huynh trên cả nước

Chuyên gia Trần Thành Nam cho rằng, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải tạo cho con một tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến. Tiếp nữa, không gian học tập cố định và quy tắc tôn trọng trật tự khi con học khiến con có thể học trực tuyến một cách tập trung hơn.

"Thứ ba, cha mẹ phải đóng vai trò giáo viên/huấn luyện viên để có thể hỗ trợ con khi cần thiết. Thứ tư, cha mẹ có thể giúp con thoát khỏi cảm giác ở nhà bằng cách cho con mặc đồng phục như học trên lớp, rèn con ngồi học đúng tư thế…", ông Nam nói.

Trong bối cảnh giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, học trực tuyến sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức và sử dụng thành thạo hình thức học này sẽ là một chỉ báo của năng lực công dân số.

Học trực tuyến cũng được chứng minh mang lại lợi ích cho những đứa trẻ hướng nội, những bạn nhỏ rụt rè. Trong lớp học trực tuyến, chúng thường tích cực tham gia vào bài học hơn.

"Game hóa" hoạt động học tập

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Quang Tiệp, Trưởng bộ môn Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Khi trẻ bước vào môi trường Tiểu học là bước vào môi trường mới, có nhiều thay đổi, hoạt động chuyển từ vui chơi sang học tập, tự thực hiện nhiều kỹ năng phục vụ bản thân và các kỹ năng giao tiếp xã hội khác. Những thay đổi đó đi kèm với việc phải học trực tuyến càng làm tăng khó khăn cho học sinh bắt đầu vào lớp 1. 

Vì vậy, giáo viên cần chuẩn bị giáo án phù hợp với dạy học trực tuyến, đặc biệt, cố gắng "game hóa" hoạt động học tập để kích hoạt sự chú ý và tập trung của các em. Học sinh chỉ nên tương tác với màn hình không quá 30-35 phút cho 1 tiết học và tối đa 2 tiếng mỗi ngày. 

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Quang Tiệp, sự đồng hành của cha mẹ được xem là yếu tố quyết định hiệu quả của việc học trực tuyến. Bản thân phụ huynh phải sẵn sàng tâm lý, tránh hoang mang, lo lắng và chủ động đồng hành cùng con trong việc tổ chức môi trường học tập tại nhà. 

"Cha mẹ cần tập dần cho con em mình việc tự nắm bắt và thực hiện các nhiệm vụ học tập, sử dụng và thao tác công nghệ, từ đó, giúp các con hình thành thói quen chủ động trong học tập", ông Diệp nói.

Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học ra đời với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của giáo viên trong dạy học trực tuyến; đáp ứng nhu cầu của cha mẹ học sinh khi con em tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học; đồng thời, tạo kênh chia sẻ và lan tỏa các vấn đề giáo dục tiểu học trong xã hội; chuyển đổi số gắn liền với nền tảng khoa học giáo dục và khoa học sư phạm.

Trước đó, ngày 16/8/2021, tại hội nghị triển khai xây dựng kênh hỗ trợ tiểu học, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chỉ đạo, việc hỗ trợ cho giáo viên tiểu học và phụ huynh học sinh là nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội và vai trò với cộng đồng, khẳng định vị thế của tiên phong của ĐHQGHN, trong đó có Trường ĐH Giáo dục trong việc hỗ trợ hệ thống giáo dục quốc dân, các trường đại học, đội ngũ giảng viên, giáo viên trong toàn quốc.

Tiếp đó, trong buổi làm việc với Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm đánh giá cao cơ hội hợp tác giữa hai bên. Trên cơ sở các nội dung hợp tác sẵn có, hai bên tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác này.

Đồng thời phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên để tiếp tục thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách thúc đẩy chuyển đổi số nền giáo dục, y tế quốc gia.

Theo đó, VNPT hỗ trợ nền tảng chuyển đổi số còn ĐHQGHN đảm nhiệm về mặt chuyên môn với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực của các đơn vị đào tạo và nghiên cứu thành viên.


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh