THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:59

Hàng Việt chưa coi trọng thị trường nông thôn

 

Người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn “khát” hàng Việt.

Việc DN mở rộng hệ thống bán lẻ tại thị trường nông thôn không chỉ giúp DN sản xuất tiêu thụ được sản phẩm trên thị trường nội địa, mà tạo ra việc làm cho lao động nông thôn. Bởi lẽ, khi các DN xây dựng được một hệ thống phân phối, các cơ sở, đại lý bán hàng là đã tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người với thu nhập ổn định.

Tuy nhiên đến nay, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, mới chỉ thu hút những DN lớn. Phân tích nguyên nhân việc DN vừa và nhỏ không muốn tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: “Địa phương coi việc DN tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là một loại hình hội chợ, nên chương trình mạnh ai nấy làm, không có chiều sâu. Chính vì vậy khi DN kết thúc chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, NTD muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết mua ở đâu, kết nối với DN bằng cách nào”. Vì vậy, muốn đưa hàng Việt tới tay NTD, các DN Việt phải phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh, đa dạng hóa hình thức đưa hàng, qua đó mới đưa được sản phẩm tới NTD nông thôn một cách hiệu quả.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “DN Việt cần quan tâm xây dựng chiến lược đầu tư và phát triển sản phẩm tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhưng để thực hiện được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của DN cũng cần phải có những hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước trong các chi phí vận chuyển, đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện hơn cho các DN xây dựng hệ thống bán lẻ”.

Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2015, có khoảng 2.355 lượt DN tham gia, chủ yếu trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, doanh thu mang lại hơn 20.000 tỷ đồng. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn có sự tham gia chủ động, sáng tạo của nhiều DN lớn như: Hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Mart, Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Cty Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng Cty Giấy Việt Nam. Tuy nhiên, số DN lớn tham gia chưa nhiều, chưa bám sát nhu cầu của thị trường nông thôn. Đa phần là các DN nhỏ lẻ tham gia chương trình theo kiểu “chớp nhoáng”, chưa coi nông thôn là thị trường chiến lược. DN e dè với thị trường nông thôn là bởi họ còn băn khoăn về sức mua của khu vực nông thôn cũng như chưa có đủ nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới phân phối tại thị trường nông thôn.

Mặt khác, các DN vẫn còn loay hoay chưa biết đưa hàng về nông thôn qua kênh nào, nên gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các phiên chợ do Sở Công Thương tổ chức. Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú những khó khăn của DN không phải là không có cách xử lý. Các DN cần xây dựng mối liên kết với ban quản lý và bà con tiểu thương ở các chợ nông thôn truyền thống, cũng như hệ thống cửa hàng tạp hóa hiện có để tạo dựng kênh phân phối vững chắc cho hàng hóa của mình. Bên cạnh đó, chiến lược marketing tại khu vực nông thôn cũng khác với thành phố. Người dân nông thôn thích được tặng quà. DN có thể dùng cách đó để thu hút người dân đến các phiên chợ hàng Việt của mình.

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh