Hàng Việt ngày càng khó vào siêu thị
- Y học 360
- 17:40 - 19/05/2016
Siêu thị ngoại tung đủ chiêu ép hàng Việt
Một vài năm trở lại đây thị trường bán lẻ chứng kiến những thương vụ chuyển nhượng lớn như Metro, Big C về tay các tập đoàn của Thái Lan, rồi sự xuất hiện ồ ạt của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Aeonmall, Lottemart... Ngay khi chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam, các siêu thị luôn dành những vị trí đẹp nhất để bày bán hàng của nước đó. Ngay tại cổng chính Siêu thị Metro, khách hàng bắt gặp một khu vực chuyên bày bán hàng hóa Thái Lan rất ấn tượng, thu hút nhiều người tham quan mua sắm. Người Thái đã dành vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất của siêu thị này để trưng bày hàng hóa của họ. Tại đây bán đủ các mặt hàng Thái từ hàng gia dụng, quần áo đến thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam, từ tháng 3/2016, nhiều siêu thị gửi thư đến các doanh nghiệp đề xuất tăng chiết khấu. Trong đó, Big C là siêu thị đưa ra mức tăng cao nhất, tăng thêm 4,25 - 5,5%, lên mức 17 - 25%. Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam đã gửi công văn đề nghị Big C Việt Nam không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản. Bởi lẽ trong điều kiện kinh doanh hiện nay, tổng mức chiết khấu 10% đã gần quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp, việc Big C đòi mức chiết khấu cao nhất lên đến 25% thì không doanh nghiệp nào đáp ứng được.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Tập đoàn Central Group của Thái Lan vừa chính thức mua hệ thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch 1,05 tỷ USD, động thái yêu cầu tăng chiết khấu hoa hồng đối với doanh nghiệp cung ứng hàng Việt Nam đặt ra nghi vấn hệ thống siêu thị này ép doanh nghiệp nội phải trả hoa hồng cao để được vào mạng lưới phân phối, hoặc phải ra khỏi hệ thống, để nhường chỗ cho hàng hóa Thái Lan.
Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng, đây là một hình thức cạnh tranh không bình đẳng. Tuy nhiên, rất khó để “bắt bẻ” hay kiện Big C bởi thực tế không có luật nào quy định một con số chiết khấu hoa hồng cụ thể khi đưa hàng vào siêu thị. Đây chỉ là thỏa thuận riêng giữa 2 bên, không công khai và cơ quan quản lý khó can thiệp.
Hàng Thái Lan được bày bán ở những vị trí “vàng” của siêu thị Metro.
Theo một số doanh nghiệp, siêu thị nội đang có mức chiết khấu 1 - 2% trên doanh thu. Trong khi đó hệ thống siêu thị ngoại mức chiết khấu vốn đã quá cao, nay còn đòi tăng thêm. Sau khi vào tay nước ngoài, các siêu thị có nhiều chiêu ép công ty Việt. Chẳng hạn trước đây siêu thị thanh toán tiền cho doanh nghiệp 30 ngày sau khi nhận hàng, nay kéo dài lên 45 ngày. Điều này chẳng khác nào chiếm dụng vốn của doanh nghiệp. Đứng trước những sức ép này, một số công ty Việt có tên tuổi, thương hiệu đã phản ứng bằng cách không cung cấp hàng cho Metro, Big C.
Hàng Việt vẫn loay hoay xây dựng thương hiệu
Sau 6 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt hiệu quả cao khi vừa khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng có chất lượng tốt, giá phải chăng, vừa thúc đẩy người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước. Theo kết quả từ ban tổ chức, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã chiếm ưu thế tại các cơ sở phân phối của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Điển hình, tại hệ thống siêu thị Big C có tới gần 90% hàng Việt, hệ thống siêu thị Saigon Co.op Mart có khoảng 95%, hệ thống siêu thị Vinatex Mart khoảng 100% hàng sản xuất trong nước…
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, con số 90% hàng Việt trong khâu bán lẻ là chưa bền vững, bởi khi Việt Nam hội nhập, nguồn hàng hóa đa dạng, có chất lượng và giá cạnh tranh từ các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore… sẽ vào thị trường rất mạnh và hàng hóa trong nước khó có thể cạnh tranh. Một số sản phẩm Việt Nam chưa được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn VietGAP, thậm chí không theo tiêu chuẩn ISO nào. Về cảm quan có thể được coi là hàng ngon, hàng đẹp nhưng do không có chứng chỉ nên nhiều siêu thị không thể ký kết để đưa hàng vào siêu thị. Nhiều doanh nghiệp muốn kết nối đưa các sản vật, nhất là nhóm nông lâm sản mang tính đặc trưng vùng miền của địa phương vào kênh siêu thị nhưng lại gặp khó khăn do thiếu một quy trình bài bản.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, để hàng Việt có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, Nhà nước phải tổ chức các vùng sản xuất theo quy trình VIETGAP và cấp chứng chỉ cho sản phẩm để từ đó xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp kết nối với người nông dân nhằm bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn quy cách đóng gói bao bì và có địa chỉ của người chịu trách nhiệm về hàng hóa đó. Các tỉnh, thành phải có quy hoạch vùng sản xuất thế mạnh của Việt Nam để có thể vươn lên ở thị trường nội địa và quốc tế. Quy hoạch chính là phát triển thế mạnh của từng vùng, đồng thời đẩy mạnh các cơ chế chính sách vào vùng đó để có thể phát triển. Ngoài ra cần giảm phí, giảm thuế, những phiền hà về đăng ký thành lập doanh nghiệp. Cung cấp các đầu vào cho nông nghiệp, vật tư, con giống, thức ăn chăn nuôi rồi thuốc chữa bệnh. Đặc biệt là phải gắn sản xuất với xuất khẩu.