THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:06

Hàng Việt về nông thôn: Hàng ngoại gắn mác... hàng nội?

 

Nhập nhèm về chất lượng

Xã Tri Thủy (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có 5 thôn và 1 xóm với gần 10.000 dân. Tuy vậy, trên toàn địa bàn chỉ có 1 chợ Bìm, là nơi để người dân trao đổi, buôn bán hàng hóa.

Vì thế, khi ngay tại sân của trụ sở UBND xã “mọc lên” một dãy gian hàng Việt đã thu hút rất đông người dân địa phương đến tham quan, mua sắm. Phiên chợ hàng Việt tại xã Tri Thủy lần này do Trung tâm thương mại Vân Hồ, thuộc Cty thực phẩm Hà Nội- doanh nghiệp thành viên của Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức, đã tạo được không khí mua sắm rộn ràng tại một xã thuần nông.

Chị Nguyễn Thị Ngân (thôn Vĩnh Ninh) chia sẻ, bình thường chị mua hàng tại mấy đại lý. Có phiên chợ Việt về xã, chị vội mua ngay các đồ dùng thiết yếu cho gia đình như nước mắm, dầu ăn, bột giặt, đồ nhựa gia dụng...

Tuy nhiên, theo lời chị Ngân, với các mặt hàng thực phẩm thì người tiêu dùng có thể biết rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, nhưng các mặt hàng dệt may thì khó tự kiểm tra, vì vậy, chị và nhiều người dân ở Tri Thủy đề nghị các sản phẩm may mặc cũng phải được gắn nhãn mác rõ ràng, tránh sự trà trộn hàng Trung Quốc với hàng Việt.

Hàng Việt về nông thôn: Hàng ngoại gắn mác... hàng nội?

Phiên chợ hàng Việt tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên).

Tại Hội chợ hàng Việt tỉnh Thái Nguyên, các gian hàng dệt may Made in Vietnam thu hút đông người mua sắm. Thế nhưng, qua xem các sản phẩm, nhiều mặt hàng có đường may cẩu thả, không chắc chắn; chất liệu vải thô ráp, mỏng; kiểu dáng nhái theo các mẫu mã đang được ưa chuộng nhưng thiết kế như... ăn bớt vải.

Chị Lê Hải Yến (xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ) cho biết, những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự đầu tư nhiều cho các sản phẩm tiêu dùng. “Mẫu mã hàng Việt ngày càng đẹp, chất lượng, giá cả phải chăng nên mọi người ưa dùng hàng Việt. Tuy vậy, không ít lần tôi mua phải hàng Trung Quốc nhưng được gắn mác... hàng Việt Nam chất lượng cao”, chị Yến nói.

Giảm niềm tin của người tiêu dùng

 Ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, cho rằng: “Hàng hoá bán tại các hội chợ hàng Việt phải đáp ứng yêu cầu chất lượng và giá cả  phù hợp với túi tiền của người dân nông thôn, nhưng không phải vì giá rẻ mà có thể trà trộn hàng giả, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Do doanh nghiệp đã được hỗ trợ kinh phí đưa hàng về nông thôn nên nếu phát hiện họ lợi dụng chương trình, đưa hàng nhái vào bán tại các phiên chợ, lực lượng quản lý thị trường địa phương sẽ tịch thu và tiêu hủy, không cho phép bán tại các phiên chợ này”.

Theo đánh giá của ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, việc đưa hàng về nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa gặp gặp không ít khó khăn vì chi phí vận chuyển chiếm tỷ trọng cao.

Trong khi đó, giá bán hàng đến vùng nông thôn luôn phải thấp hơn giá thị trường, phù hợp với khả năng tiêu dùng của người dân. Trước bài toán đảm bảo doanh thu và lợi nhuận, không ít doanh nghiệp lợi dụng hoạt động này để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái có nguồn gốc từ Trung Quốc, làm mất niềm tin ở người tiêu dùng.

Khẳng định chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tạo ra sự tương tác hai chiều, người dân có thêm cơ hội mua sắm hàng nội chất lượng cao, các doanh nghiệp tham gia mở rộng được thị trường nội địa, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh: “Đây là chương trình dài hạn, cần được thực hiện nghiêm túc.

Nhà nước hỗ trợ một phần và sát cánh cùng doanh nghiệp để thực hiện, nên các doanh nghiệp cũng phải góp sức để hàng Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường, mang lại thương hiệu và lòng tự hào về hàng Việt.

Để chương trình đạt kết quả bền vững, rất cần một chiến lược dài hơi, đồng bộ và hiệu quả. Trong đó có việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng hóa, ngăn chặn hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu và gian lận thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ uy tín, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt.

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,  Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn, có gần 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia với tổng số hơn 48.000 gian hàng, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân đến tham quan, mua sắm, tổng doanh thu đạt hơn 34.000 tỷ đồng.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh