Hàng nghìn cây lim cổ thụ trơ trụi lá vì… 'giặc' sâu tấn công
- Tây Y
- 02:21 - 15/05/2016
Thời gian gần đây, báo Người Đưa Tin liên tục nhận được tin phản ánh của người dân ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hóa) về việc hàng chục ha cây lim xanh đang bị sâu tàn phá.
Theo chân người dân, sáng 13/5, phóng viên đã có mặt tại khu vực rừng lim tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy. Theo quan sát, hàng ngàn cây lim cổ thụ đã trơ trụi lá, chỉ còn vài cây lác đác có lá nhưng cũng đang có nguy cơ bị sâu gặm nhấm.
Rừng lim đang trụi lá bị bị sâu tấn công. |
Ông Nguyễn Văn Thịnh, thôn Thái Học, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy chia sẻ: “Hiện tượng sâu tấn công đã xảy ra được 3 năm, hễ cây ra được lá nào thì sâu lại ăn hết lá đó, cứ thế liên tiếp theo vòng.
Thấy lim bị ăn hết lá, chúng tôi rất lo lắng và đã có kiến nghị đến chính quyền địa phương. Tuy chính quyền đã cử người xuống kiểm tra nhưng sau đó cũng không thấy sử dụng biện pháp nào ngăn chặn”.
“Những con sâu này ăn rất nhanh, chỉ sau một đêm mà nó đã ăn hết mấy chục cây. Nếu thực trạng này kéo dài thêm nữa, e rằng chẳng mấy chốc mà mất cả rừng lim”, ông Thịnh tỏ ra lo ngại.
Người dân đã phản ánh nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có phương án xử lí. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thê, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cho biết: “Chúng tôi cũng đã nắm được hiện tượng lim đang bị sâu ăn lá.
Tuy nhiên, xã là cấp cơ sở không có đủ thẩm quyền để giải quyết nên chúng tôi đã làm báo cáo lên cấp trên, giờ chỉ còn chờ vào cấp trên mà thôi”.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Cẩm Tú, hiện xã Cẩm Tú có gần 30ha với khoảng 1.233 cây lim, giống lim ở đây là thuộc lim xanh (tên khoa học là Erythropheumforrdii), là loài cây quý hiếm. Đây là rừng lim duy nhất còn lại ở Thanh Hóa.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quốc Mạnh, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Cẩm Thủy.
Nguy cơ mất rừng Lim đang hiện hữu vì bị sâu tàn phá. |
Theo ông Mạnh: “Về việc này chúng tôi đã nhận được báo cáo của xã, cũng đã cho đoàn xuống kiểm tra và lập báo cáo gửi lên UBND huyện để xin ý kiến giải quyết của cấp trên.
Về phía hạt, chúng tôi chỉ có chức năng tham mưu cho ủy ban huyện trong quá trình bảo vệ rừng chứ không có chức năng xử lý”.