THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:16

Hàng loạt lãnh đạo Công ty Tân Thuận bị kỷ luật

Lãnh đạo Công ty Tân Thuận bị kỷ luật

Ngày 7/8, Uỷ ban kiểm tra (UBKT) Thành ủy TP.HCM có thông báo về kết quả xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên đối với Đảng ủy Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Theo UBKT Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo Công ty có những khuyết điểm, vi phạm trong việc sử dụng quỹ tiền lương; nộp ngân sách khoản lợi nhuận sau phân phối; quản lý chi phí; trích nộp kinh phí công đoàn; huy động vốn; quản lý công nợ; công tác thiết kế - dự toán công trình Tòa nhà văn phòng và sử dụng Tòa nhà văn phòng IPC; quản lý cán bộ, đảng viên đi nước ngoài; thực hiện Dự án Khu Dân cư Hiệp Phước; thoái vốn theo Đề án tái cơ cấu (giai đoạn 2016 - 2017); việc cử người đại diện vốn; việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược; việc thẩm định giá và việc thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu, việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh.

Căn cứ các quy định của Đảng, UBKT Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 8 cán bộ.

Cụ thể gồm: Ông Lê Hoàng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty; ông Mai Văn Đường, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty; ông Đồng chí Vũ Xuân Đức, Đảng ủy viên, Thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên Công ty; ông Nguyễn Trường Bảo Khánh, Đảng ủy viên, Thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên Công ty; ông Phùng Đức Trí, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty; ông Phạm Xuân Trung, Đảng ủy viên, Phó Tổng Giám đốc Công ty; ông Trần Đăng Linh, Đảng ủy viên, Phó Tổng Giám đốc Công ty; ông Nguyễn Việt Dũng, Đảng ủy viên, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty.

Ngoài ra, 2 cán bộ bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách gồm: Bà Trương Thị Hương Giang, Kiểm soát viên chuyên trách Công ty, ông Bùi Hải Hà, Kiểm soát viên chuyên trách Công ty. Phê bình đối với 3 cán bộ.

Liên quan đến sai phạm ở IPC ông Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc IPC) và bà Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco, công ty con của IPC) bị Công an TP.HCM bắt giam ngày 14/5/2019 về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Tiếp đó, Công an TP.HCM cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Công Thiện - nguyên tổng giám đốc và ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên IPC). Cả 2 nguyên lãnh đạo bị bắt để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Những sai phạm IPC

Sai phạm của IPC thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn (IPD, công ty con của IPC) năm 2015.

Theo phương án Thủ tướng phê duyệt trước đó về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của TP.HCM, IPD khi cổ phần hóa chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trên cơ sở đề xuất của Công ty IPC và Công ty IPD, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang đã kết luận và chấp thuận tỷ lệ vốn nhà nước nắm tại Công ty IPD là 65%.

Tiếp đó, ngày 30/12/2015, một Phó chủ tịch khác của TP HCM ra Quyết định 7116 chấp thuận phương án cổ phần hóa tại IPD, nhà nước nắm giữ tới 75% vốn điều lệ.

Hàng loạt lãnh đạo Công ty Tân Thuận bị kỷ luật - Ảnh 2.

Trụ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Sau khi cổ phần hóa, Công ty IPD trở thành Công ty ESL. Tuy nhiên, Thanh tra thành phố xác định ESL đã thực hiện không đúng phương án cổ phần hóa được duyệt, có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật "phục vụ nhóm lợi ích". Công ty IPD cũng bị xác định sai khi tính giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa không phù hợp, dẫn tới giảm giá trị tài sản nhà nước.

Tiếp đó, tại dự án Khu dân cư Long Thới (huyện Nhà Bè), IPC được giao đất để thực hiện tái định cư cho Khu công nghiệp Hiệp Phước nhưng từ năm 2000 đến năm 2007 đã chuyển nhượng 341 nền đất cho các đối tượng không thuộc diện tái định cư. Việc này là không đúng Luật Đất Đai năm 1993 và 2003. IPC cũng tự ý chuyển nhượng 2 Block chung cư tại dự án này với giá gần 18 tỷ đồng mà không thẩm định giá - vi phạm quy định Pháp lệnh giá năm 2002.

Cựu tổng giám đốc IPC Tề Trí Dũng quyết định đơn giá đất nền tại dự án Khu dân cư Long Thới từ 350.000 đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi m2 là không bảo toàn vốn, có khả năng gây thiệt hại cho nhà nước ít nhất hơn 43 tỷ đồng.

Liên quan việc IPC chuyển nhượng dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước 2 (huyện Nhà Bè) cho Công ty HIPC, Thanh tra thành phố xác định đây thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã bồi thường. IPC không thẩm định giá, đấu giá để xác định giá thị trường là không đảm bảo quyền lợi chủ đầu tư. IPC cũng chuyển nhượng đất nền tại dự án Khu định cư An Phú Tây (do Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco - một công ty con của IPC làm chủ đầu tư) với giá rẻ có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho nhà nước.

QUANG HẢI - XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh