CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:21

Thanh tra Bộ Tư pháp: Tố cáo Công ty Nam Sài Gòn thông thầu, dìm giá tài sản là chưa đủ cơ sở

Tố cáo không có cơ sở

Mới đây (8/4), Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành Kết luận thanh tra số 07/KL-TTR về việc chấp hành các quy định pháp luật đối với Công ty cổ phần dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn (Cty Nam Sài Gòn), TP.HCM và Văn phòng Công chứng Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương.

Theo nội dung vụ việc, hai dự án Mỹ Phước 4 và Cầu Đò được bán đấu giá thành công từ năm 2014-2015. Chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Thuận Lợi đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, hoàn thành dự án, thì bất ngờ giữa năm 2019, đại diện theo ủy quyền của Thiên Phú khi đó là ông Nguyễn Văn Tuấn (Phó GĐ Công ty Thiên Phú) có đơn tố cáo đến Thanh tra Bộ Tư pháp, cho rằng việc đấu giá: Có dấu hiệu thông đồng, dìm giá, không niêm yết, thông báo công khai; Có dấu hiệu làm trái, gây thất thoát trong việc sử dụng, quản lý tài sản nhà nước; Ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vi phạm pháp luật; VPCC thực hiện công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá trái quy định.

Thanh tra Bộ Tư pháp: Tố cáo Công ty Nam Sài Gòn thông thầu, dìm giá tài sản là chưa đủ cơ sở - Ảnh 1.

Kết luận thanh tra của Bộ Tư Pháp

Quá trình xác minh, Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định những tố cáo trên đa số là không có cơ sở. Đối với tố cáo Nam Sài Gòn "thông đồng, dìm giá trong việc không niêm yết, thông báo công khai", hồ sơ tài liệu chưa đủ cơ sở kết luận tố cáo.

Vấn đề ông Nguyễn Việt Hưng vừa là Trưởng phòng Pháp chế, Phó phòng Hành chính nhân sự tại Agribank Chợ Lớn, vừa là cổ đông sáng lập Nam Sài Gòn: Hồ sơ tài liệu không thể hiện ông Hưng tham gia vào quá trình đấu giá nói trên nên có chăng ông Hưng chỉ vi phạm quy chế của Agribank, không liên quan quá trình bán đấu giá.

Về tố cáo "dấu hiệu gây thất thoát tài sản nhà nước", Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định không có cơ sở để kết luận dấu hiệu làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Nội dung tố cáo không có biện pháp quyết liệt xử lý việc chậm thanh toán của khách hàng trúng đấu giá là có cơ sở. Công ty Nam Sài Gòn chưa có biện pháp quyết liệt để xử lý việc chậm thanh toán của khách hàng trúng đấu giá. Thanh tra Bộ Tư pháp đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra với các Chi nhánh của Agribank trong xử lý, thu hồi nợ, tránh khiếu nại, tố cáo phát sinh liên quan. Sở Tư pháp Bình Dương kiểm điểm trách nhiệm của VPCC Mỹ Phước. Đối với Nam Sài Gòn, tổ chức rút kinh nghiệm.

"Làm ơn... mắc oán"

Vụ việc bắt nguồn từ việc công ty TNHH sản xuất và Thương mại Thiên Phú (Cty Thiên Phú) có vay vốn tại ngân hàng Agribank Chợ Lớn với số tiền 599 tỷ đồng và hơn 18.634 lượng vàng SJC. Thế chấp đảm bảo cho các khoản vay trên là tài sản gồm dự án khu dân cư Hòa Lân, dự án khu dân cư Cầu Đò và dự án khu dân cư Mỹ Phước 4.

Do không trả được nợ đến hạn và các khoản lãi, Công ty Thiên Phú đã phải chấp nhận bàn giao tài sản thế chấp cho Agribank để bán đấu giá thu hồi nợ.

Ngày 2/4/2014, đơn vị định giá tài sản đã có chứng thư thẩm định giá đối với dự án khu dân cư Mỹ Phước 4, giá trị là hơn 208 tỷ đồng (trong đó khu B2 của dự án Mỹ Phước 4 được định giá là hơn 79,8 tỷ đồng); dự án khu dân cư Cầu Đò được định giá hơn 162 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Tư pháp: Tố cáo Công ty Nam Sài Gòn thông thầu, dìm giá tài sản là chưa đủ cơ sở - Ảnh 3.

Phối cảnh dự án Cầu Đò

Ngày 12/6/2014, Công ty Thiên Phú tự nguyện bàn giao dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 cho Agribank để bán đấu giá. Đến ngày 5/12/2014, phiên đấu giá quyền sử dụng đất dự án khu dân cư Cầu Đò và khu A dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 đã được Công ty cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn được tổ chức với giá khởi điểm là hơn 232.186.640.000 đồng.

Theo đó, năm 2014, phải trải qua 2 lần đấu giá, Dự án KDC Cầu Đò mới tìm được khách hàng mua. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Thuận Lợi.

Tương tự Dự án KDC Cầu Đò, dự án KDC Mỹ Phước 4 còn chịu số phận hẩm hiu hơn, khi phải đến phiên đấu giá lần thứ 8 ngày 9/10/2015 thì dự án mới được bán thành công. Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Thuận Lợi là đơn vị trúng đấu giá dự án này.

Tưởng chừng dự án "chết yểu" bao năm nay đã tìm được người mua, mở ra lối thoát cho Cty Thiên Phú, thì xảy ra tình trạng kiện cáo. Người tố cáo là ông Nguyễn Văn Tuấn (Phó GĐ Cty TNHH Sản xuất Thương Mại Thiên Phú), tố cáo Cty Nam Sài Gòn trong việc bán đấu giá tài sản đối với 2 dự án trên.

Về việc này, đại diện Cty Thuận Lợi cho biết, thứ nhất là phần đất nhà nước không thu tiền sử dụng đất không thể nói đó là đất công hay sai phạm . Vì phần đất cây xanh, đất hạ tầng, đất giáo dục, dịch vụ, phần đất đó không thể tách rời trong một dự án vì phần đất đó để phục vụ cho khu dân cư, vì vậy phần nêu của Cty Thiên Phú không có cơ sở. Dự án đã thực hiện hơn 5 năm, đã đứng tên chủ đầu tư mới, đã cấp sổ giao đất cho hàng ngàn khách hàng, và đã hết hạn thưa kiện sau 5 năm.

Tố cáo nhằm đòi lại tài sản hay quấy phá?

Theo Cty Thuận Lợi, việc tố cáo Công ty cổ phần dịch vụ Đấu giá tài sản Nam Sài Gòn vi phạm pháp luật trong việc bán đấu giá khu dân cư Cầu Đò và dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 là những việc làm tiếp theo trong chuỗi những việc làm mà Công ty Thiên Phú thực hiện, nhằm đòi lại các tài sản đã thế chấp cho Agribank và đã được bán đấu giá để thu hồi nợ mà Công ty Thiên Phú đã không trả cho ngân hàng này.

Trước đó, cũng liên quan đến khiếu nại của Cty Thiên Phú tại Dự án Khu dân cư Hòa Lân, Thanh tra Bộ Tư Pháp đã có Kết luận số 62/KL-TTR ngày 24/12/2018, nêu rõ: "Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá của Công ty Nam Sài Gòn không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; Hợp đồng chuyển nhượng đã được các bên ký kết; việc hủy hay tiếp tục thực hiện hợp đồng thuộc trách nhiệm của bên có tài sản (Agribank Chợ Lớn)". Quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản theo hợp đồng số 10/2015/HĐĐG ngày 17/6/2015, công ty đấu giá về cơ bản đã thực hiện trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. Các nội dung tố cáo là không có cơ sở.

Sau khi Thanh tra Bộ Tư pháp có kết luận thanh tra về việc bán đấu giá dự án khu dân cư Hòa Lân và Thanh tra Bộ Tư pháp không hủy kết quả bán đấu giá, Công ty Thiên Phú đã khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá và hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản ra TAND quận 7, TP HCM. Với các nội dung khởi kiện này, Công ty Thiên Phú muốn đòi lại dự án khu dân cư Hòa Lân, vốn đã bán đấu giá cho Công ty Kim Oanh TP HCM.

Thanh tra Bộ Tư pháp: Tố cáo Công ty Nam Sài Gòn thông thầu, dìm giá tài sản là chưa đủ cơ sở - Ảnh 5.

Dàn lãnh đạo Công ty Thiên Phú bị khởi tố và bắt tạm giam

Xâu chuỗi những sự việc bất thường trên, kịch bản tương tự liệu có thể xảy ra tại dự án khu dân cư Cầu Đò và dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 hay không?, vì người đứng sau các vụ việc tố cáo này chính là ông Nguyễn Văn Tuấn, người đang đứng danh Phó Giám đốc Công ty Thiên Phú.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 27/3, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Bùi Thế Sơn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiên Phú (trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng, nguyên Phó giám đốc công ty này để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án Khu cư dân Hòa Lân, Bình Dương.

Trong quá trình thực hiện tái định cư căn cứ theo hồ sơ, chứng từ mà công ty Thiên Phú cung cấp, Công ty Kim Oanh đã chi trả cho 14 hộ dân theo giá trị quyền sử dụng đất tái định cư lên đến gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác minh cho thấy danh sách của 14 hộ dân này đều là khống. Kết quả điều tra bước đầu xác định, Bùi Thế Sơn đã chỉ đạo thuộc cấp là Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng lập khống danh sách để nhận tiền đền bù của Công ty Kim Oanh.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh