THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:53

Tiền ngân sách xây dựng đê bỗng chốc tiêu tan vì sạt lở (Bài 2)

An toàn đê điều bị uy hiếp…

Qua tìm hiểu, PV được biết hiện tượng sạt lở bờ sông Lô gây bức xúc cho nhiều người dân huyện sông Lô, không phải chỉ những năm gần đây mới diễn ra nghiêm trọng. Thực tế “hiện tượng” này đã xảy ra từ nhiều năm trước, gây sạt lở đất canh tác ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình các xã Đôn Nhân, Phương Khoan, Cao Phong… gây mất an ninh trật tự tại địa phương; ảnh hưởng đến an toàn đê điều, đe dọa sự an toàn của nhân dân khi mùa mưa bão đến.

 Bờ Tả sông Lô, đoạn từ K9+100 và đoạn từ K9+500 đến K9+950 xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô. Công trình này do Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là hơn 19 tỷ đồng.

Nhưng đến nay những kiến nghị, bức xúc của người dân các xã bị ảnh hưởng bởi nạn sạt lở đất bờ sông Lô vẫn không được xử lý giải quyết kịp thời. Tại đây, đã không ít lần xảy ra va chạm “căng thẳng” giữa người dân địa phương với những đơn vị khai thác cát sỏi, khiến công an phải vất vả vào cuộc. 

Ông Nguyễn Đức Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống Lụt bão cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông Lô đang diễn ra với tốc độ rất nhanh”.

Cụ thể, qua kiểm tra thực tế hiện trường sạt lở và theo báo cáo của cơ quan chuyên môn về quản lý đê thì từ tháng 9 – 2014 đến nay tại đoạn bờ tả sông Lô (từ K26+450 ÷ K26+650) thuộc địa phận thôn Phan Dư, xã Cao Phong, huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Thống kê của địa phương đã chỉ “đích danh” - kể từ khi Cty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Bắc Ái (một trong số 11 DN) được phép khai thác cát đi vào hoạt động đến nay, tình trạng sạt lở đất nông nghiệp diễn ra rất nhanh.

“Sạt lở hiện nay đã lấn sâu vào phía bãi sông (hành lang an toàn đê) từ 15 đến 20m, và thường xuyên xuất hiện các cung sạt lở nối tiếp dài từ 60m đến 150m. Khoảng cách từ cung sạt lở đến chân đê chỉ còn 34m, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn đê điều. Theo báo cáo từ những lần kiểm tra thực tế, có thời điểm đoàn kiểm tra phát hiện hơn 15 tàu neo đậu ngay sát mái kè, bờ sông chờ chuyên chở cát sỏi; nhiều phương tiện khai thác cát sỏi neo đậu, hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ đê kè.”, ông Nguyễn Đức Sinh cho biết.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở bờ sông Lô, theo đánh giá của đoàn kiểm tra (UBND huyện Sông Lô; UBND xã Cao Phong; Hạt Quản lý đê Tả sông Lô) thì nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do DN khai thác cát sỏi không đúng quy định (vị trí điểm mỏ khai thác lấn sâu vào sát bờ, độ sâu khai thác, quy trình khai thác, công nghệ khai thác… không đúng quy định).

Mặt khác, cũng do số lượng tàu thuyền neo đậu lớn trong phạm vi bảo vệ kè, bờ sông không có trụ neo đậu cố định mà đóng cọc “neo bám” trực tiếp vào bãi đất. Quá trình hoạt động của tàu thuyền phương tiện khai thác cát sỏi gần bờ tạo nên sóng vỗ làm… sạt lở bờ sông. Lại thêm hoạt động điều tiết xả lũ làm dao động mực nước sông lên xuống với biên độ khá lớn, nên tình hình sạt lở đất càng thêm nghiêm trọng.

Cơ quan chức năng “bó tay” với nạn sạt lở

Được biết, dòng sông Lô đoạn chảy qua tỉnh Vĩnh Phúc chỉ dài chừng 28km nhưng được cơ quan chức năng của tỉnh này cấp phép cho 11 Cty khai thác cát sỏi, nạo vét lòng sông. Nhiều năm trở lại đây, “thực trạng” sạt lở đất đặc biệt là đất canh tác đang khiến nhiều người dân vốn chỉ sống dựa vào nghề nông lâm vào tình cảnh khốn khổ. Diện tích đất ruộng cứ ngày một thu hẹp dần, thậm chí có gia đình lâm vào tình cảnh… trắng tay khi thửa ruộng đang chuẩn bị ngày thu hoạch, thì chỉ qua một đêm đã bị dòng sông “nuốt chửng”, thành quả lao động nhiều tháng trời trôi sông trôi biển.  

Công trình bờ Kè chống sạt lở bở Tả sông Lô do Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão triển khai những năm trước, hiện tại nhiều đoạn cũng vỡ vụn, tan tành.

Không chỉ người dân lãnh chịu hậu quả, mà hiện tượng sạt lở đất cũng khiến các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc… trong thời gian dài “chung cảnh ngộ”. Quá trình tìm hiểu thông tin về “thực trạng” này, PV nhận thấy tất cả các báo cáo của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước của tỉnh Vĩnh Phúc trong vấn đề này, đều chung nhận định: Nạn sạt lở đất đang diễn ra rất nghiêm trọng dọc bờ sông Lô, khiến người dân bức xúc khiếu kiện, ảnh hưởng đến tình hình an ninh địa phương; đe dọa nghiêm trọng đến an toàn đê điều. Tình trạng này xảy ra đã nhiều năm, các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc dù đã “nhìn thấy từ lâu” nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn loay hoay không tìm được cách tháo gỡ, xử lý dứt điểm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn, ngày 18/9/2015 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Tình trạng sạt lở bờ sông Lô diễn ra ngày một nghiêm trọng. Đặc biệt, kể từ thời điểm đầu tháng 9 – 2015 đến nay, tình trạng sạt lở đất diễn ra rất nhanh (chỉ trong 10 ngày đầu tháng 9 – 2015, sạt lở đã lấn sâu vào phía bãi sông từ 15 đến 20m và thường xuyên xuất hiện các cung sạt lở nối tiếp dài từ 60m đến 150m). Qua kiểm tra, có những cung sạt lở chỉ còn cách chân đê khoảng 34m, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn đê điều. 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết kết quả kiểm tra thực tế cho thấy hiện tượng vi phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Lô, đoạn qua địa bàn tỉnh rất phổ biến. Theo đó, báo cáo kiểm tra thực tế cho biết, tại thời điểm kiểm tra đoàn kiểm tra xác định có 15 tầu neo đậu ngay sát mái kè, bờ sông (có trường hợp neo đậu tầu thuyền trên bãi, đỉnh kè trong thời gian nước sông vượt cao trình đỉnh kè) chờ chuyên chở cát sỏi; nhiều phương tiện khai thác cát sỏi neo đậu, hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ đê kè.

Có mặt tại hiện trường các điểm sạt lở PV cũng ghi nhận, công trình bờ Kè chống sạt lở bở Tả sông Lô do Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão triển khai những năm trước, thì hiện tại nhiều đoạn cũng vỡ vụn, tan tành.

Gần 20 tỷ tiền ngân sách bị “hà bá” nuốt chửng

Không chỉ vậy, hiện tượng sạt lở bờ sông Lô cũng khiến cho dự án gần 20 tỷ đồng do Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư cũng đang lâm vào tỉnh cảnh “rùa bò” chậm tiến độ. Đặc biệt, dự án gần 20 tỷ tiền ngân sách nhà nước trước nguy cơ bị “hà bá” nuốt chửng…

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng diễn ra ngày một nghiêm trọng tại sông Lô đoạn chảy qua Vĩnh Phúc.

Năm 2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 2466/QĐ-UBND về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án ĐTXD công trình Kè chống sạt lở bờ Tả sông Lô, đoạn từ K9+100 và đoạn từ K9+500 đến K9+950 xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô. Công trình này do Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là hơn 19 tỷ đồng.

Quá trình triển khai thực hiện, công trình được khởi công ngày 04-02-2017, thời gian thi công 180 ngày. Ngày dự kiến hoàn thành 30-07-2017. Nhưng thực tế cho thấy, đến nay công trình vẫn đang “ì ạch” rùa bò, chưa biết bao giờ hoàn thành. Bởi lẽ, theo thông tin từ Ban Quản lý dự án (Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc) khi chuẩn bị bắt tay vào thi công dự án đã được phê duyệt, thì cũng là lúc tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra liên tục khó lường, nên phải điều chỉnh và chưa thể thi công.

Trước tình hình người dân và báo chí phản ánh nóng về vấn nạn khai thác cát Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc lại báo cáo UBND tỉnh một cách rất chung chung, "mắt nhắm mắt mở"  né yếu tố doanh nghiệp khai thác cát.

Về nguyên nhân dự án nói trên lâm vào tình cảnh “ì ạch” rùa bò, phải chạy theo “tình trạng sạt lở” để điều chỉnh phương án thi công, trao đổi với PV một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Do biến đổi của dòng chảy và hoạt động khai thác cát, sỏi tại vị trí dự kiến xây dựng tuyến công trình nên phải điều chỉnh phương án thi công. Trong khi việc hoạt động khai thác cát sỏi diễn ra liên tục gần bờ, gây sạt lở bờ sông làm mất đất nông nghiệp của nhân dân và uy hiếp đến an toàn đê Tả sông Lô. Vấn đề này Sở NN&PTNT cũng đã báo cáo đề xuất với UBND tỉnh xem xét cho phép thi công ngay phần thả đá hộ chân theo hiện trạng để ngăn chặn hiện tượng sạt lở…”.

Từ “thực tế” trên các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành nhiều văn bản, yêu cầu các DN khai thác cát sỏi, nạo vét lòng sông trong quá trình hoạt động phải tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong vấn đề khai thác khoáng sản của nhiều DN rất kém. Cá biệt, có DN bất hợp tác với cơ quan chức năng, từ chối trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người dân; trốn tránh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước lên đến nhiều tỷ đồng.

Bài 3: Ai tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm chây ỳ nợ thuế kéo dài?

Nhóm PVPL

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh