THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 02:05

Hàn gắn bằng thơ ca và đồng cảm

Một ngày giữa tháng 6/2015, mấy nhà thơ, nhà văn và phê bình: Hải Đường, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Thành Phong, Đàm Khánh Phương, Văn Giá, Nguyễn Bình Phương... ngồi với nhau buổi trưa. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đưa Teresa - nữ nhà thơ trẻ ở Mỹ, đến cùng gặp gỡ. Đó là cô gái gốc Việt, biết một ít tiếng Việt. Thiều nói: "Đây là một người thơ đang trở về xứ sở của mình". Đọc mấy bài thơ của Teresa được dịch ra tiếng Việt lưu trong điện thoại di động của cô, tôi nói: "Đây là những vần thơ về quê hương ngỡ tưởng như đã mất rồi" và nói thêm rằng, sẽ in trên tờ báo LĐ&XH một trang thơ Teresa, nhờ Nguyễn Quang Thiều viết lời giới thiệu. Khi về nước Mỹ, Teresa gửi mail cho tôi, nói rằng cô như vừa qua một giấc mơ sau chuyến trở lại Việt Nam, đất nước mà cô đã rời bỏ lúc hai tuổi cùng gia đình di tản trên một chiếc thuyền giữa biển đêm mịt mùng cách đây 37 năm.

Cô có viết một ghi chép về chuyến đi với tiêu đề "Việt Nam - Đất nước bị chia cắt bởi chiến tranh, hàn gắn bằng thơ ca và sự đồng cảm" và muốn tôi chia sẻ với mọi người. Chúng tôi xin lược dịch ngắn lại và giới thiệu với bạn đọc.

NGUYỄN THÀNH PHONG

Teresa cùng các nhà văn, nhà thơ (từ phải qua): Nguyễn Quang Thiều, Hải Đường, Đàm Khánh Phương, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Sĩ Đại.

 

 

Ngày thứ hai ở Hà Nội, tôi đến đọc thơ ở Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Đó là dịp giới thiệu về tuyển tập thơ With Our Eyes Wide Open (Thấu hiểu) do Douglas Valentine biên dịch. Hai bài thơ của tôi "Uranium đã cạn kiệt" và "Điệu nhảy Mìn M16" in trong tuyển tập cùng với hai tác phẩm do tôi dịch sang tiếng Anh của Đậu Phi Nam  và Vương Tùng Cương. Đậu Phi Nam và tôi cùng đọc thơ. Đó là một sự chia sẻ đặc biệt.

Tôi đọc thơ bằng tiếng Anh, sau đó nhà thơ, dịch giả Đặng Thân đọc tiếng Việt. Dường như những người Việt ở Việt Nam và một người con xa Tổ quốc như tôi từng bị chia lìa, giờ đây đã được kết nối lại và hòa giải qua những vần thơ. Vậy là thơ đã đưa tôi trở về với đất mẹ. Thực ấm lòng khi tôi được hòa chung tiếng nói cùng với những người anh chị, cô bác của mình trên đất này. Mọi người lắng nghe chăm chú những vần thơ cất lên từ trái tim và tâm hồn tôi. Vết thương trong lòng tôi bỗng nhiên lành lặn. Mối liên hệ giữa Tổ quốc, nơi chôn rau cắt rốn của tôi và những người dân nơi đây đã được tạo nên bởi ánh sáng tâm hồn và lòng chân thành.

Tôi đã đến hồ Hoàn Kiếm và các bảo tàng. Đường phố Thủ đô với những hàng cây trăm tuổi thật đẹp và nhiều vòm hoa khoe sắc thắm.Khi đi Sa Pa, gần đến nơi, tôi biết là tôi đang rất gần dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở đó có trại cải tạo mà cha tôi đã từng bị giam trong 9 năm. Thời gian ở Sa Pa, tôi rất khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng và thích thú chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của sông suối và những cánh đồng bậc thang. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn rất gần những con trâu hiền và rất phấn khích. Tôi gặp những người dân Mông, chứng kiến cách liên kết con người với nhau, với đất đai là một trải nghiệm tuyệt vời. Khi leo lên đỉnh núi, trời đổ mưa, tôi lấy một cái lá rất to để làm ô. Chúng tôi trú mưa ở trạm dừng chân lợp bằng mái rơm. Tôi hứng nước mưa và uống thoả thích. Đó là mật ngọt của đất và trời. Bỗng dưng tôi muốn sống ở đây mãi mãi.

Chúng tôi được khám phá động lớn nhất Vịnh Hạ Long, chèo kayak vào tận một đảo vắng và bơi giữa những dãy núi đá vôi, chiêm ngưỡng những hòn đá cổ như mọc thẳng lên thiên đàng và ngắm nhìn đại bàng đang chao liệng giữa trời xanh thăm thẳm. Chúng tôi đi kayak xung quanh các đảo, xem những chú khỉ ngỗ nghịch và những con sứa to lớn. Lúc mặt trời xuống núi, chỉ còn lại hoàng hôn màu hồng, màu cam và dần dần khuất lấp. Màn đêm buông xuống, xung quanh là không gian tĩnh lặng. Bóng của những hòn đảo nhỏ nổi lên trên mặt nước lấp lánh ánh sao. Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm để đón bình minh trên Vịnh. Những tia nắng chiếu dài trên mặt nước long lanh chẳng khác nào kim cương...

Khách du lịch nước ngoài thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

 

Từ Vịnh Hạ Long, quay về Hà Nội, tôi gặp nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đây là nhà thơ Việt Nam đầu tiên mà tôi đã đọc. Tập thơ "Những người đàn bà gánh nước sông" của anh do Martha Collins dịch, để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi từ nhiều năm trước. Gặp gỡ, ăn trưa cùng Nguyễn Quang Thiều và một số nhà văn, nhà thơ, trong đó có nhà thơ Nguyễn Thành Phong, là một vinh dự lớn. Hành trình trở về của tôi như một giấc mơ huyền diệu có thực.

Teresa trong chuyến thăm nhà tù Côn Đảo.

Chuyến đi tiếp theo là Vũng Tàu, tôi được gặp nhà thơ Lê Huy Mậu, Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh. Anh có một bài thơ sẽ in trong tuyển tập thơ song ngữ về các nhà thơ Việt Nam đương đại mà tôi và nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai là đồng dịch giả. Chúng tôi đã có một buổi tối tuyệt vời cùng nhau bàn luận về thơ ca và thưởng thức sầu riêng chín.

Về Sài Gòn, tôi tìm đến bệnh viện Nguyễn Trãi, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Tôi cũng đến nơi mà ông bà và bố mẹ tôi từng sống ở phố Hùng Vương. Tôi đi thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tôi đến Làng Hòa Bình nơi chăm sóc trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Khi chứng kiến hậu quả của chất độc dioxin trên cơ thể và trí não của các em, tôi vẫn thấy nụ cười tươi rói và sự hiếu động. Một cậu bé ôm lấy cổ và hôn lên má tôi. Có những bé chỉ có thể di chuyển bằng hông vì chân bị teo. Có những bé ngón tay cụt ngủn và dị dạng. Có một em di chuyển trên một cái ghế. Một vài em khác nằm liệt giường. Có cậu bé đầu to bất thường, nằm im với đôi mắt mở to...

Teresa trong chuyến thăm nhà tù Côn Đảo.

 Cái tên Làng Hòa Bình được đặt như một lời nhắc nhở về ý nghĩa của hòa bình và hậu quả dai dẳng của chiến tranh.

Chặng tiếp theo là Côn Đảo. Ban đầu, tôi nghĩ là đang đến một khu nghỉ dưỡng hoặc một hòn đảo ở chốn thiên đường, nhưng sau thì biết đó là “địa ngục trần gian”. Từ lâu rồi, tôi đã có ý định đến nơi này và giờ thì đã được đến. Ngay đêm đặt chân lên Côn Đảo, chúng tôi đã ra nghĩa địa để cầu nguyện. Có thể nói đây là một trải nghiệm làm thay đổi cuộc đời tôi. Ở mỗi một ngôi mộ đều có bát hương và chỗ để đặt hoa quả. Một số ngôi mộ được đánh dấu bằng ngôi sao màu vàng, có tên tuổi; nhiều ngôi mộ khác cũng có ngôi sao nhưng là mộ vô danh. Đâu đâu cũng thấy những nấm mộ... Tôi thắp hương và cầu nguyện.

Tâm hồn tôi ngưng đọng
Trước ngạt ngào mùi hương
Ngọn gió nào lay động
Bóng đom đóm lập loè
Như linh hồn đã khuất
Cất lên lời chào tôi
!

Sáng hôm sau, chúng tôi đi thăm nhà tù Côn Đảo-trại Phú Hải, trại Phú Bình, chuồng cọp Phú Bình, Di tích Bãi sọ người, đi vào phòng giam, phòng tra tấn, biệt giam và chuồng cọp. Những vết tích còn lại trên các bức tường như vẫn vương mùi tù nhân bị xiềng xích, hốc hác vì đói và đau đớn vì bị hành hạ. Những cảnh tượng này đã giúp tôi thấu hiểu nhiều điều và trái tim của tôi rộng mở hơn. Hầu như ngày nào tôi cũng đến các ngôi chùa trên đảo để cầu nguyện Đức Phật Quan Âm, cầu nguyện cho tổ tiên của tôi, cho những người đã ngã xuống. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi cầu nguyện.

Khi tôi nói chuyện Côn Đảo, cha nhắn cho tôi, đó là cái nhà tù mà ông đã kể. Ông bảo Côn Đảo có ma vì quá nhiều người đã chết ở đó. Vậy mà thật lạ lùng, tôi không thấy sợ hãi chút nào dù rất yếu bóng vía. Tôi có cảm nhận, đa số những người đã chết trên đảo là những người tốt...

Ở Việt Nam, tôi được mọi người gọi tôi bằng cái tên khai sinh-Tuệ Mỹ. Tôi được lấy lại cái tên mà tôi đã đánh mất khi rời xa Tổ quốc lúc còn bé tí .Tôi được kết nối gần gũi biết bao với cây cối, hoa cỏ, sông suối và đặc biệt là những người bạn đã chăm sóc và đối đãi tôi bằng cả tấm lòng. Trong tôi ăm ắp yêu thương và đồng cảm với đất nước tôi, đồng bào tôi khắp mọi miền.Tôi đã không còn bị chia lìa. Hãy để trái tim tôi dưới ánh nắng mặt trời, trong màu đỏ, màu vàng, màu cờ của Tổ quốc.

Teresa Chúc Tuệ Mỹ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh