Hải Phòng: Thiết thực chăm sóc người có công
- Người có công
- 22:28 - 29/07/2019
Sống trong yêu thương
Những ngày tháng 7 này, ngôi nhà của mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Thự, thôn Mỹ Tranh, xã Nam Sơn huyện An Dương (Thành phố Hải Phòng) lúc nào cũng rộn tiếng nói cười của con cháu, người thân. Chiều 23.7, đoàn cán bộ của thành phố Hải Phòng do Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành và cán bộ huyện, xã đến thăm, mẹ vui lắm. Mẹ bảo năm nào các cấp cũng quan tâm tặng quà dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27.7, không chỉ làm ấm lòng người còn sống, mà anh linh các liệt sĩ cũng mừng vui. Đôi mắt đã mờ, mẹ nắm chặt tay từng người, miệng cười móm mém. Ở tuổi 92, nỗi đau mất mát trong chiến tranh của mẹ được xoa dịu phần nào nhờ sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng. Mẹ Thự cùng với mẹ Nguyễn Thị Ly, ở thôn Cách Thượng, cùng xã Nam Sơn là 2 mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn xã được đặc biệt chăm lo. Cả 2 mẹ được doanh nghiệp nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Anh Nguyễn Văn Sơn, cán bộ chính sách xã Nam Sơn cho biết: “Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, không chỉ mẹ Việt Nam Anh hùng được quan tâm mà tất cả người có công trên địa bàn xã đều được chăm sóc chu đáo, động viên về vật chất và tinh thần”.
Trưởng Phòng Người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Phòng Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: “Trên địa bàn thành phố hiện còn 76 mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Tất cả các mẹ đều được doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị nhận chăm lo, phụng dưỡng suốt đời”. Đây là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn.
Dịp 27.7 hằng năm, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được các cấp chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến địa phương đến nhà thăm hỏi, tặng quà, nhiều mẹ được các tổ chức đoàn thể Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, trường học đến động viên, chăm sóc. Với trách nhiệm và tình cảm, các thế hệ hôm nay không quên những người có công với nước, đó là những người được cả xã hội tôn vinh, trân trọng. Riêng đối với các mẹ Việt Nam Anh hùng, các cấp chính quyền địa phương có sự quan tâm, chăm lo đặc biệt hơn. Các mẹ đều tuổi cao, sức khỏe suy giảm, số lượng các mẹ mỗi năm một giảm. Bởi vậy, chăm lo khi các mẹ còn sống càng có ý nghĩa, quan trọng hơn, để các mẹ được sống trong yêu thương của con cháu, cộng đồng.
Chăm sóc sức khỏe, tặng nhà nghĩa tình
Song song với việc chăm lo tặng quà vật chất, động viên về tinh thần, NCC còn được chăm sóc về sức khỏe thông qua điều dưỡng tập trung tại Trung tâm điều dưỡng người có công của thành phố tại quận Đồ Sơn. 6 tháng năm 2019, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ra quyết định điều dưỡng, phục hồi sức khỏe đối với 10.289 NCC với tổng kinh phí hơn 13,8 tỷ đồng, trong đó hơn 2/3 số NCC điều dưỡng tại gia đình. Đối với những NCC điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng NCC Hải Phòng được chăm sóc chu đáo, tận tình.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng NCC luôn tận tình, chu đáo
Ông Vũ Khắc Tân, 70 tuổi, thương binh 2/4, nhà ở phường Nghĩa Xá (quận Lê Chân) vừa đi điều dưỡng tại Đồ Sơn đợt ngày 15 đến 21.7.2019 cho biết: “Chúng tôi được cán bộ nhân viên Trung tâm Điều dưỡng NCC chăm sóc tận tình ngay từ bước chân đầu tiên đến đây. Trong 7 ngày, chúng tôi nghỉ dưỡng, tham quan khu di tích Vương triều Mạc, tham gia liên hoan văn nghệ, chơi cờ tướng... Khi ra về còn được tặng quà, xe của trung tâm đưa về tận quận. Với chúng tôi chính sách điều dưỡng dành cho NCC hết sức thiết thực, ý nghĩa, giúp củng cố sức khỏe, tinh thần vui vẻ”.
Theo Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng NCC Nguyễn Văn Sơn, năm nào Trung tâm cũng tiếp nhận điều dưỡng NCC khoảng vài nghìn trường hợp. Năm 2019, Trung tâm được phê duyệt kế hoạch điều dưỡng 3.952 NCC ở các quận, huyện trong thành phố. Tính đến hết tháng 7, Trung tâm thực hiện điều dưỡng 16 đợt với hơn 2.250 người. Hầu hết NCC đến điều dưỡng đều tuổi cao, sức khỏe suy giảm nên việc chăm sóc phục hồi sức khỏe được ưu tiên hàng đầu. Đối với những người không thể hay không có nhu cầu điều dưỡng tập trung, được các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể thăm khám sức khỏe tại nơi sinh sống. Ban chỉ huy Quân sự huyện Cát Hải khám bệnh, cấp thuốc miễn phí 80 người thuộc diện chính sách trên địa bàn huyện. Tại quận Lê Chân, hàng nghìn thương bệnh binh, gia đình chính sách, cựu chiến binh được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí.
Cũng trong dịp này, nhiều ngôi nhà tình nghĩa được khởi công xây dựng, khánh thành có sự hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí của các Hội, đoàn thể, lực lượng vũ trang như ngôi nhà của bà Mai Thị Nụ, mẹ liệt sĩ Đào Văn Chút, ở thôn Thạch Lựu 1, xã An Thái, huyện An Lão do Ban chỉ huy Quân sự huyện An Lão giúp đỡ. Kho 703 (Vùng 1 Hải quân) tặng 70 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho vợ liệt sĩ Vũ Đình Oánh là bà Nguyễn Thị Tạc. Cán bộ chiến sĩ đơn vị còn tham gia 45 ngày công lao động san mặt bằng, làm nền nhà, đổ bê tong. Riêng lực lượng cựu chiến binh thành phố Hải Phòng từ đầu năm 2019 đến nay đã khánh thành 52 nhà “Nghĩa tình đồng đội” tặng các cựu chiến binh, trong đó nhiều người là thương, bệnh binh, gia đình chính sách. Uống nước nhớ nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, NCC với cách mạng trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Với Hải Phòng, sự quan tâm thiết thực, chu đáo trong nhiều năm qua còn là tình cảm, trách nhiệm của các thế hệ đi sau vì cuộc sống hòa bình, ổn định.