Hải Phòng: Tăng cường hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán trở về
- Pháp luật
- 21:16 - 04/12/2022
Theo đó, thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách, khuyến khích mọi hình thức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tăng cường sự phối hợp liên ngành, huy động được sự tham gia của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể nên phát huy được sức mạnh của toàn xã hội tham gia công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức và nội dung phong phú, từ đó nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống mua bán người. Thành phố cũng bố trí nguồn lực tài chính đảm bảo cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập với cộng đồng. Cơ sở vật chất để thực hiện việc tiếp nhận lưu trú, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp các dịch vụ cần thiết ngày càng hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ thành phố đến xã, phường, thị trấn và các tình nguyện viên Đội công tác xã hội đều được tập huấn về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng duy trì hoạt động mô hình "Nhóm đồng đẳng phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng" tại 2 huyện Thủy Nguyên và Kiến Thụy. Qua đó đã trợ giúp thiết thực cho các đối tượng, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cho nhiều phụ nữ và trẻ em trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng tăng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong khi đó, sự vào cuộc của một số ban, ngành, đoàn thể nhiều nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa đồng đều; các biện pháp phòng ngừa xã hội hiệu quả thấp; công tác truyền thông, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người còn dàn trải và hình thức, chưa tập trung; công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn chậm, chủ yếu hỗ trợ nạn nhân thông qua giải cứu hoặc trao trả; hệ thống văn bản pháp luật về trợ giúp nạn nhân bị buôn bán trở về còn nhiều bất cập; phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm mua bán người ở cơ sở chưa rộng khắp… Ngoài ra, ý thức tự bảo vệ của một bộ phận người dân chưa được coi trọng, một bộ phận không nhỏ người dân chủ quan để các đối tượng lợi dụng sơ hở thực hiện hành vi phạm tội… Hơn nữa, nhiều nạn nhân bị buôn bán tự trở về địa phương không có giấy tờ pháp lý, không ở lại địa phương mà đi nơi khác làm ăn, sinh sống. Một số nạn nhân khi trở về không có nhà cửa, hộ khẩu, đất canh tác, việc làm, tâm lý xấu hổ, mặc cảm với quá khứ. Do vậy, khi tự trở về, họ không khai báo, đề xuất kiến nghị với các cấp chính quyền địa phương để nhận được sự quan tâm, hỗ trợ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu, chủ yếu làm kiêm nhiệm nên việc nắm bắt thông tin và cập nhật số liệu nạn nhân bị mua bán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chưa kịp thời.
Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng này, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán phụ nữ và trẻ em, bên cạnh việc tăng cường tổ chức giải cứu, tiếp nhận, phối hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh... thành phố Hải Phòng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân, tăng cường cảnh giác phòng ngừa và tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, điển hình trong phòng, chống tội phạm mua bán người.
Thành phố cũng đã kiến nghị với các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung các chính sách về hỗ trợ nạn bị buôn bán trở về, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó cần nâng mức hỗ trợ ban đầu để tạo điều kiện cho nạn nhân khi trở về có thể tái hòa nhập cộng đồng bền vững; cải tiến về quy trình và thủ tục hỗ trợ nạn nhân; có chính sách khuyến thích và hỗ trợ cụ thể đối với các cơ sở trợ giúp xã hội trong công tác này; đồng thời tiếp tục duy trì các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ, vay vốn, tạo việc làm giúp nạn nhân ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng.