THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:12

Quảng Ninh nâng cao hiệu quả mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân”

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, trong 8 tháng đầu năm 2022, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, bảo đảm mục tiêu 100% nạn nhân có hộ khẩu thường trú và tiếp nhận qua địa bàn đều được hỗ trợ kịp thời theo Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 25/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh đã tăng cường truyền thông, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cộng đồng dân cư, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân. Sở LĐ-TB&XH đã chủ động thiết kế 07 Pa-nô đặt dọc trục đường quốc lộ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục về cấp phép, in ấn và cấp phát 40.000 tờ rơi giới thiệu các dịch vụ của Ngôi nhà Ánh Dương, trong đó có nội dung về phòng, chống mua bán người.

Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 10/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022, trong đó có nội dung: Tiếp tục duy trì các hoạt động mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” tại 05 phường của thành phố Hạ Long bằng nguồn ngân sách tỉnh, từ ngày 04/5/2022 đến ngày 07/5/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long và Ủy ban nhân dân các phường Hồng Gai, Bạch Đằng, Cao Xanh, Hùng Thắng, Tuần Châu tổ chức Hội nghị công bố Quyết định thành lập thí điểm mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân”. Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức 05 cuộc tập huấn kỹ năng tiếp cận, truyền thông cho các thành viên nòng cốt tham gia CLB.

Hội nghị công bố thành lập Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân phường Hùng Thắng, TP Hạ Long

Hội nghị công bố thành lập Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân phường Hùng Thắng, TP Hạ Long

Theo Quyết định số 471/QĐ-LĐTBXH ngày 15/4/2022 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, mỗi mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân” có Ban chủ nhiệm gồm 5 thành viên, trong đó Chủ tịch/Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường là Chủ nhiệm, người có uy tín tại tổ dân, khu phố (chi hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên xã hội…) là Phó Chủ nhiệm và Tiếp cận viên. Thành viên tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ gồm: cộng tác viên công tác xã hội, cán bộ tổ dân, khu phố; nạn nhân bị mua bán; người di cư trái phép từ nước ngoài trở về; người có nguy cơ trở thành nạn nhân; người có nhu cầu, dự định đi xuất khẩu lao động ở các nước phát triển; người thân là bố hoặc mẹ, vợ hoặc chồng của nạn nhân mua bán người. Các Câu lạc bộ sẽ duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng, qua đó nắm tình hình mua bán người và hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn; hỗ trợ, tư vấn về sinh kế, khởi nghiệp để đối tượng đích tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống; tư vấn, cung cấp thông tin về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người và các tệ nạn xã hội khác…

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH còn tổ chức 30 lớp tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho 2.700 cán bộ làm công tác PCTNXH thuộc 03 Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện và 30 xã, phường tại thị xã Đông Triều, Quảng Yên và TP. Uông Bí.

Cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân”, các cơ sở trợ giúp xã hội trực thuộc ngành LĐ-TB&XH cũng tăng cường công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã tiếp nhận 02 trường hợp nạn nhân nữ bị mua bán được các cơ quan chức năng thành phố Móng Cái bàn giao. Trung tâm đã quản lý và chăm sóc, phối hợp với cơ quan chức năng để xác định quê quán, thân nhân của đối tượng; đồng thời bàn giao 01 trường hợp cho địa phương và gia đình; 01 trường hợp bàn giao cho Tổ chức Rồng Xanh đưa đối tượng trở về gia đình. Bên cạnh đó, Trung tâm CTXH còn duy trì Tổng đài tư vấn miễn phí 18001769, trực 24/24 để tiếp nhận tất cả các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp như: nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân bị mua bán...; bố trí 10 phòng tạm lánh tại đơn vị và hệ thống cơ sở vật chất của Ngôi nhà Ánh Dương luôn sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân bị mua bán. Trung tâm cũng phối hợp với các ban ngành, chính quyền và các cá nhân khác để cung cấp các dịch vụ CTXH như tư vấn tâm lý, kết nối nguồn lực, dịch vụ về y tế, việc làm, tìm kiếm địa chỉ, quê quán… cho nạn nhân bị mua bán. Riêng Cơ sở Bảo trợ chăm sóc Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh hiện đang chăm sóc 04 trẻ em dưới 16 tuổi bị mua bán trở về (01 nữ, 03 nam). Tất cả các cháu đều được học tập, phát triển khả năng của bản thân và tham gia các hoạt động trong Cơ sở cũng như ở nhà trường nơi các cháu đang theo học.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh sẽ  tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phối hợp liên ngành số 4018/LN-LĐTBXH-CA-BCHBP ngày 18/11/2021 về phối hợp trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và bàn giao, trao trả nạn nhân bị mua bán trên địa bàn; kịp thời nắm tình hình nạn nhân bị mua bán trở về để hỗ trợ. Đặc biệt, sẽ duy trì hiệu quả hoạt động của 05 CLB phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân nêu trên./.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh