Hải Phòng: Tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài
- Bài thuốc hay
- 00:48 - 13/08/2019
Theo thống kê năm 2018, số lao động nước ngoài làm việc tại Hải Phòng là 6.039 người, trong đó nhiều nhất là người Trung Quốc tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước khác.
Riêng trong các Khu công nghiệp và Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Trần Vĩnh Hoàn cho biết, tính đến ngày 30/6/2019, tổng lao động người nước ngoài làm việc tại đây hiện có 3.035 lao động, gồm 2.537 lao động nam và 489 lao động nữ.
Theo ông Trần Vĩnh Hoàn, các văn bản pháp luật quy định việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ. Các Bộ, ngành đã tích cực xây dựng các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Trình tự, thủ tục, hồ sơ trong việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; cấp, cấp lại giấy phép lao động; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã giảm bớt thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thời gian qua, các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động nước ngoài thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Lực lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật, đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.
Tại Hải Phòng, những năm gần đây, công tác quản lý lao động là người nước ngoài được tăng cường và ngày một tốt hơn thể hiện ở tỷ lệ lao động là người nước ngoài làm việc trong các Khu công nghiệp và Khu kinh tế trên địa bàn thành phố có giấy phép lao động ngày một tăng lên qua các năm, tỷ lệ lao động trực tiếp là người nước ngoài giảm dần (trong đó chủ yếu là lao động kỹ thuật cao). Một số lượng không nhỏ lao động nước ngoài vào làm việc trong các Khu công nghiệp và Khu kinh tế theo các dự án, công ty mới đi vào hoạt động cần chuyên gia sang hỗ trợ kỹ thuật, số lượng tăng hay giảm theo tiến độ của các dự án và sự ổn định sản xuất của các công ty mới thành lập.
Nhìn chung, người lao động là người nước ngoài làm việc trong các Khu công nghiêp và Khu kinh tế chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam như việc cấp, cấp lại giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú, khai báo tạm trú… Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động, sử dụng visa du lịch hoặc visa doanh nghiệp nhập cảnh để làm việc, không thực hiện việc làm thủ tục cấp giấy phép lao động đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý.
Để quản lý tốt hơn lao động nước ngoài trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng Trần Văn Huy cho biết, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã đề xuất kiến nghị UBND thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ về lao động đối với một số tỉnh, thành phố (tương đương) của Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc một số quốc gia khác có nhiều lao động nước ngoài làm việc tại Hải Phòng trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam. Xem xét có quy định chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Trung ương với các cơ quan quản lý lao động nước ngoài có liên quan tại địa phương để hạn chế tình trạng người nước ngoài sử dụng visa doanh nghiệp hoặc mục đích khác vào làm việc tại Việt Nam. Sở cũng kiến nghị, cần có quy định cụ thể, chặt chẽ trong việc quản lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như giáo dục, y tế, du lịch… khi cấp phép hoạt động. Cùng với tiêu chí về mặt chuyên môn cần phải có tiêu chí về tình trạng pháp lý của người lao động, chỉ cho phép người lao động nước ngoài làm việc khi đã được cấp giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định.