Hải Phòng: Nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
- Pháp luật
- 00:50 - 21/08/2020
Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 3 "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán" giai đoạn 2016 - 2020 của Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng cho thấy, Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân là Cơ sở hỗ trợ nạn nhân để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân vào lưu trú. Từ năm 2016 đến nay chưa tiếp nhận, hỗ trợ trường hợp nào. Tuy nhiên, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên chỉ đạo trường luôn phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân viên y tế, tư vấn trực tiếp hỗ trợ nạn nhân.
Giai đoạn 2016 - 15/7/2020, các Sở, ngành, địa phương đã hỗ trợ 5 nạn nhân, trong đó: Sở LĐ-TB&XH đã hỗ trợ học nghề cho 3 nạn nhân với tổng số tiền 3 triệu đồng (các nạn nhân này đều tự trở về từ giai đoạn 2011-2015). Hiện 2/3 nạn nhân đã có công việc ổn định tại Khu công nghiệp Vship thuộc huyện Thủy Nguyên. Cùng với đó, Sở Tư pháp đã hỗ trợ pháp lý cho 5 nạn nhân. Đối với 2 nạn nhân từ Trung Quốc tự trở về do Công an thành phố phát hiện qua điều tra, đấu tranh các chuyên án, Sở LĐ-TB&XH đã cử cán bộ rà soát, tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ nạn nhân. Kết quả rà soát: 1 nạn nhân công an thành phố cung cấp địa chỉ trú quán tại thôn Bãi Cát, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên không có mặt tại địa phương do chuyển sang Quảng Ninh làm ăn sinh sống. 1 nạn nhân trú quán tại thôn An Luận, xã An Tiến, huyện An Lão, Công an TP Hải Phòng đang thụ lý điều tra.
Hàng năm, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng thường xuyên liên hệ, trao đổi với các Cơ sở Bảo trợ xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân các tỉnh biên giới đề nghị cung cấp danh sách, thông tin nạn nhân là người Hải Phòng đã được các đơn vị tiếp nhận, hỗ trợ. Nếu nhận được thông tin về nạn nhân là người Hải Phòng, Chi cục sẽ đón nạn nhân về bàn giao cho gia đình hoặc đưa về lưu trú tại Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân theo nhu cầu của nạn nhân. Tuy nhiên đến nay, các Cơ sở hỗ trợ nạn nhân các tỉnh biên giới chưa tiếp nhân trường hợp nào là nạn nhân người Hải Phòng. Bên cạnh đó, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội có văn bản đề nghị Phòng Cảnh sát hình sự thuộc Công an thành phố cung cấp danh sách nạn nhân trong các vụ án mua bán người. Khi nhận được thông tin về nạn nhân, Chi cục phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện có nạn nhân tiếp cận, hướng dẫn lập hồ sơ và hỗ trợ nạn nhân theo quy định.
Đối với những trường hợp nạn nhân tự trở về có đơn đề nghị hỗ trợ, Chi cục có văn bản đề nghị Công an thành phố xác minh, xác định nạn nhân để thực hiện hỗ trợ. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH còn chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố duy trì hoạt động mô hình "Nhóm đồng đẳng phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng" tại 2 huyện Thủy Nguyên và Kiến Thụy.
Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng cũng cho biết, những năm qua, thành phố đã bố trí nguồn lực tài chính đảm bảo cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập với cộng đồng; nâng cao năng lực; đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân từng bước chuẩn hóa. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội của ngành LĐ-TB&XH từ thành phố đến xã, phường, thị trấn và tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện đều được tập huấn về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Cơ sở vật chất để thực hiện việc tiếp nhận lưu trú, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp các dịch vụ cần thiết được đảm bảo và ngày càng hoàn thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, đó là trường hợp nạn nhân tự trở về địa phương không có giấy tờ pháp lý, tâm lý xấu hổ, mặc cảm với quá khứ, nên không khai báo đề xuất kiến nghị với các cấp chính quyền địa phương để nhận được sự quan tâm hỗ trợ; có trường hợp không ở lại địa phương mà đi nơi khác làm ăn, sinh sống; đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chủ yếu làm kiêm nhiệm nên việc nắm bắt thông tin và cập nhật số liệu về nạn nhân bị mua bán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chưa kịp thời; trợ cấp khó khăn ban đầu theo quy định của Nhà nước phải là hộ nghèo mới được hỗ trợ 1 triệu đồng nên có trường hợp nạn nhân trở về không có nhu cầu đề nghị hỗ trợ.
Từ thực tế trên, Sở LĐ-T&XH Hải Phòng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tổng kết các mô hình phòng, chống mua bán người, nhất là mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người đạt kết quả tốt và chỉ đạo hướng dẫn việc nhân rộng các mô hình trên. Nghiên cứu ban hành Quyết định phê duyệt khung định mức kinh tế - kỹ thuật về xây dựng mô hình hỗ trợ nạn nhân để các tỉnh, thành phố có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các tỉnh, thành phố về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân.