THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 06:53

Hải Phòng: Bố mẹ nợ tiền làm đường, con không được cấp khai sinh

 

Đường ở xã Hồng Phong được dân đóng góp để xây dựng

 

Nợ tiền, bị gây khó dễ

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh và chị Đồng Thị Tâm ở thôn 1, Hà Đỗ bức xúc cho biết: “Xã tôi nhiều người dân không đồng tình với việc mỗi khi họ có nhu cầu xin chứng thực, xác nhận của Ủy ban đều bị cán bộ xã rà soát trong danh sách nếu thấy còn nợ đóng góp các khoản tại địa phương là lập tức không được xác nhận, yêu cầu phải nộp tiền.

Mấy bữa trước do nhu cầu phải xin xác nhận lý lịch để đi xin việc làm, tôi đến xã được chứng kiến cảnh bà con nói là có thật, tôi cũng nằm trong số người chưa hoàn thành nghĩa vụ làm đường nên không được xác nhận, họ bảo tôi phải có ý kiến của trưởng thôn họ mới làm. Thấy vô lý tôi đã quay lại clip đưa lên mạng cho mọi người chứng kiến”.

Đặc biệt gần đây nhất là ngày 18/4, anh Lê Văn Tuyền (33 tuổi, trú tại thôn Hà Đỗ) lên UBND xã Hồng Phong xin làm giấy khai sinh cho con gái, sinh ngày 10/4/2018. Nhưng khi lên gặp bộ phận tư pháp hộ tịch, anh Tuyền không được tiếp nhận việc khai sinh cho con cũng với lý do chưa nộp tiền làm đường. Bà nội cháu phải đến nhà trưởng thôn xin khất nợ, sau khi có ý kiến của ông trưởng thôn, cán bộ xã mới tiến hành cấp giấy khai sinh cho cháu.

Nhiều người dân khác trong làng cũng phản ánh về tình trạng trên, họ cho rằng họ rất ủng hộ việc làm đường của thôn đề ra, người dân thu nhập thấp nên gặp khó khăn. Những gia đình ở thôn 1, Hà Đỗ cũng vừa mới phải đóng 1.100.000 đồng/khẩu để làm đường ngõ xóm. Nay lại phải đóng 600.000 đồng/khẩu làm đường ra nghĩa trang nhân dân là quá sức. Chính vì vậy, nhiều gia đình chưa hoàn thành các khoản đóng góp.

Để thu được tiền của dân, các thôn lập danh sách các hộ còn nợ các khoản đóng góp đưa lên xã. Cứ gia đình nào còn nợ đọng các khoản đóng góp, đặc biệt là tiền làm đường ở địa phương là xã từ chối đóng dấu vào các loại giấy tờ, từ chối xác nhận cho các hộ đó.

Kiểm điểm Chủ tịch xã

Theo tìm hiểu của Dân Việt, sau khi người dân bức xúc quay clip phản ánh, UBND xã Hồng Phong đã tiến hành họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm ngay, yêu cầu cán bộ tư pháp tiến hành cấp giấy khai sinh cho con anh Tuyền ở thôn 1, Hà Đỗ cũng như các hộ khác trong xã bình thường.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Sáng - Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: "Con đường liên thôn có chiều dài 2 km, nằm chủ yếu ở thôn 2, Hà Đỗ. Trước đây, con đường này rất hẹp và lầy lội, tuy nhiên đây lại là con đường quan trọng để dân cả làng đi ra nghĩa trang nhân dân".

Để khắc phục điều đó xã đã huy động nhân dân trong hai thôn chung tay cùng nhau lên kế hoạch làm đường theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Lúc triển khai các hộ dân rất phấn khởi, đồng tình nhất trí cao không thấy ai có ý kiến gì.

Tiền đóng góp làm đường được thôn họp lấy ý kiến các hộ và chia ra đóng góp trong hai vụ chứ không phải đóng liền một lúc. Hiện con đường này đã được hoàn thành và đi vào sử dụng từ trước Tết Nguyên đán, đường được mở rộng thêm  4-7m, chấm dứt cảnh khổ sở trước đó.

“Xã cũng muốn tuyên truyền, nhắc nhở để dân có ý thức chấp hành, tuy nhiên để xảy ra tình trạng trên với cương vị là người đứng đầu Ủy ban, tôi xin tiếp thu và nhận lỗi sâu sắc trong việc này” - ông Sáng phân trần.  

Trong khi đó, ông Lê Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương, TP Hải Phòng cho biết: "UBND huyện An Dương đã kiểm điểm Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, đồng thời yêu cầu xã xin lỗi nhân dân và cấp ngay các loại giấy tờ, chứng thực giấy tờ theo đúng quy định; không gắn việc đóng góp, nghĩa vụ tài chính của công dân với việc cấp, xác nhận hồ sơ hành chính.

Việc đóng góp làm đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã cần họp bàn công khai, dân chủ, động viên bà con hoàn thành các khoản đóng góp một cách tự nguyện, vì mục tiêu chung".

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh