CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:24

Hà Tĩnh: Nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm

Các đại biểu tham dự tại cuộc họp Sơ kết 2 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.


Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh tại cuộc họp Sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2124/QĐ-TTg ngày 28/12/2017 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/QĐ-TTg và Công văn số 2687/LĐTBXH-VL ngày 30/6/2017 của Bộ LĐ-TB&XH về việc hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển vừa mới được triển khai, năm 2017, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức được 61 lớp, tổng số người được đào tạo 1.910 người, kinh phí thực hiện hơn 12,3 tỷ đồng. 

Tính đến nay, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã hỗ trợ học phí cho 1.180 học sinh, sinh viên, với tổng kinh phí thực hiện hơn 6,1 tỷ. Trong đó hệ trung cấp: 23 người; hệ cao đẳng: 198 người; hệ đại học: 959 người. Tổng số lao động tự học nghề trình độ sơ cấp được thanh toán kinh phí hỗ trợ: 59 lao động, tổng kinh phí 527,58 triệu đồng. 

Để công tác hỗ trợ, tạo việc làm cho người dân bị ảnh hưởng đạt hiệu quả cao, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển triển khai đồng bộ các giải pháp về tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm thông qua việc tổ chức Sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hội nghị tư vấn việc làm ở cả cấp huyện và cấp xã.

Trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đã tổ chức 83 hội nghị tư vấn việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động tại các huyện, thị xã ven biển và các xã bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh tổ chức 38 phiên giao dịch việc làm tại TP Hà Tĩnh và KKT Vũng Áng thu hút 14.570 lượt người tham gia, 3.216 người được phỏng vấn, tuyển dụng làm việc trong và ngoài tỉnh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH về việc ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân vùng ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tham gia các Chương trình hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước, nhất là Chương trình hợp tác lao động  Việt Nam – Hàn Quốc, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình EPS Hàn Quốc dành cho người dân các huyện ven biển.

Kết quả trong năm 2016, 2017 đã làm thủ tục hồ sơ cho 1.276 lao động thuộc vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành ngư nghiệp, chiếm gần 50% tổng số chỉ tiêu mà phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam.

Riêng năm 2018, mặc dù Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam tích cực đề nghị nhưng Chính phủ Hàn Quốc không đồng ý tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên cho các huyện ven biển do số lao động bất hợp pháp vượt quá quy định của Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc, vì vậy Hà Tĩnh chỉ có duy nhất thị xã Kỳ Anh đủ điều kiện được tham gia Chương trình EPS với 68 người dự thi, 48 người đạt kết quả. Riêng đối với một số thị trường khác, công tác tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài được tăng cường, đẩy mạnh.

Từ năm 2017 đến tháng 9/2018 đã có hơn 3.880 lao động của các huyện ven biển đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhiều lao động sau khi đi xuất khẩu đã có tiền tích lũy gửi về gia đình, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Mặc dù đã được Nhà nước triển khai nhiều chương trình, chính sách cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, tuy nhiên, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho thấy, việc triển khai thực hiện các chính sách vẫn còn nhiều bất cập cần phải tháo gỡ.

Việc đào tạo nghề trình độ sơ cấp theo số liệu khảo sát của các huyện, thành phố, thị xã thì số lao động thuộc các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đăng ký học nghề, chuyển đổi việc làm là rất lớn, nhưng khi các cơ sở đào tạo nghề xuống địa bàn mở lớp thì nhiều lao động đã đi làm ăn xa; số lao động còn lại trên địa bàn rất ít, nhất là lao động trẻ. Việc mở lớp học nghề gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi phải bố trí học ghép liên xã, liên vùng.

Trong khi đó, người lao động thuộc đối tượng bị ảnh hưởng tham gia học nghề ở nhiều độ tuổi khác nhau, mức độ tiếp thu cũng khác nhau nên chất lượng đào tạo chưa cao...

Đối với chính sách hỗ trợ chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tuy đã triển khai đến tận người lao động nhưng quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Người lao động không cung cấp được hóa đơn, chứng từ theo quy định; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chưa phối hợp, hỗ trợ người lao động trong việc làm hồ sơ đề nghị hưởng chính sách…

TƯỜNG LÂM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh