THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:35

Hà Tĩnh: Hành trình khởi nghiệp của chàng thanh niên mù hai con mắt

 

Niềm  hạnh phúc của gia định vợ chồng người mù Lê Trọng Tuệ

 

 

Chứng kiến nổi khổ của gia đình, cha ốm đau kinh niên, mẹ kiệt sức vì gánh nặng mưu sinh, trong nhà có ba anh em trai  bị mù bẩm sinh, ngay từ nhỏ,  Tuệ đã nuôi ý chí lập thân, lập nghiệp, nhằm giảm tải gánh nặng cho bố mẹ. Mười lăm tuổi, lần đầu tiên ra khỏi ngõ đến Tỉnh hội người mù Hà Tĩnh học chữ Brai. Những con chữ Brai chưa giúp Tuệ kiếm cơm, nhưng lại mở ra trước Tuệ một chân trời mơ ước.

Ba năm sau, 18 tuổi, Tuệ đến Tỉnh hội học nghề làm chổi đót. Ba tháng học nghề, đã giúp Tuệ cùng bạn bè cùng cảnh ngộ kết được chổi. Nhưng để hành nghề kiếm sống còn bao nhiêu yếu tố, nào là nguyên liệu, nào là đầu ra sản phẩm và đặc biệt là công tác quản lý, tổ chức sản xuất. Sau hai tháng hành nghề, thu không đủ chi, nghề chổi đót “tan đàn, sẻ nghé”. Tuệ lại xoay ra nghề tăm tre. Nhưng bán tăm tre cho ai? Ở đâu? Tuệ đã cùng bè bạn đến các  đơn vị doanh nghiệp, trường học trên địa bàn để  nhờ giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm. Nhưng không hề dễ dàng chút nào. Có những ngày cả nhóm chỉ bán được vài chục gói, không đủ chi phí xe cộ trên đường đi, nói chi duy trì, phát triển nghề. Tuệ lại bỏ nghề tăm tre.

Không nản chí, năm 2006, Tuệ chuyển sang học nghề tẩm quất. Sau ba tháng học nghề, Tuệ không chỉ biết thông thạo các bước “ốc mò, cò mổ, kiến bò, voi giày, ngựa xé” (những ngón nghề tẩm quất) mà còn được các thầy giáo ở Hội đông y Hà Tĩnh truyền dạy huyệt đạo, cách thức day, bấm huyệt.  Chín năm hành nghề tẩm quất tại cơ sở tẩm quất người mù của Tỉnh hội không chỉ giúp cho Tuệ nâng cao tay nghề để tự kiếm sống mà quan trọng nhất là giúp Tuệ giao lưu, hòa nhập với bạn bè, tự tin khẳng định bản thân mình “tàn mà không phế”. Nhưng có lẽ, biến cố quan trọng nhất là con đường đến với nghề nghiệp lại chính là con đường giúp Tuệ đến với tình yêu, điều mà chưa bao giờ Tuệ dám mơ ước tới.

Thấu cảm và chia sẻ, Nguyễn Thị Bích Hồng đến từ Thạch Trung đã gắn kết với Lê Trọng Tuệ. Lễ thành hôn của họ được tổ chức đầu năm 2013 đã mang đến niềm tin, hy vọng về tình yêu hạnh phúc cho người mù. Đầu năm 2013, họ cưới nhau; cuối năm, hạnh phúc vỡ òa, khi hai vợ chồng có con gái đầu lòng. Nhưng đằng sau niềm vui là  cả những nỗi lo lắng. Gia đình nội ngoại thuộc diện hộ nghèo, anh em ruột thịt mỗi người một hoàn cảnh không ai có thể giúp đỡ được gì vợ chồng Tuệ.

Ở lại trung tâm, khách hàng sử dụng dịch vụ ngày có, ngày không, có ngày chỉ được một khách, nuôi mình chưa đủ, lấy chi nuôi vợ con đã khiến cho Tuệ trằn trọc suy nghĩ, đi một nước táo bạo là mở cơ sở tẩm quất riêng. Nhưng như nười xưa nói: “Muốn biết nước hãy ra đến dòng sông”, Tuệ đã lặn lội đi tìm thuê nhà làm cơ sở hành nghề tẩm quất.

Cơ sở tẩm quất của Lê Trọng Tuệ 

 

Trải qua rất nhiều khó khăn và dị nghị , cuối cùng Tuệ đã thuê được cơ sở ở 02, phường Thạch Trung TP Hà Tĩnh với thời hạn 5 năm, với tiền hợp đồng 48 triệu/ năm. Có cơ sở,vợ chồng Tuệ  tiếp tục vay gần 200 triệu để chỉnh sửa 110 m2 thành 2 phòng dịch vụ, một phòng ở, một phòng khách, trong đó ưu tiên 2 phòng dịch vụ, với phương tiện tối thiểu mà khách hàng có thể chấp nhận được.

Sau hơn hai tháng đầu tư cải tạo, nhờ Tỉnh hội giúp đỡ, cơ sở hành nghề Tẩm quất người mù của Tuệ được cấp giấy phép hành nghề. Tháng 5 năm 2016, cơ sở khai trương. Không quảng cáo. Một biển nhỏ được treo lên để khách hàng biết dừng chân: Tẩm quất người mù. Những con chữ không lòe loẹt, mà cũng đơn giản, khiêm nhường như con người Tuệ.

 Có cơ sở, Tuệ vận động anh ruột của mình Lê Trọng Nghĩa  và  Lê Thị Hoài (quê Thạch Mỹ), Nguyễn Bá Vinh ( quê Bắc Sơn, Thạch Hà) đều là những người mù bẩm sinh về làm chung.

 Nhớ lại những ngày đầu  khai trương vắng khách hàng, mãi đến ngày thứ 4 trở đi mới bắt đầu rải rác vài người đến . Tiền thu được chưa đủ rau cháo cho 6 con người. Tiền hợp đồng phải vay nợ ngân hàng trả cho nhà chủ. Lê Trọng Nghĩa tâm sự: “Có những lúc ao ước đơn giản, mỗi ngày chỉ cần có một người đến tẩm quất là chúng cháu sống được”. để lấy tiền ăn cho 6 người là mừng lắm rồi

 Được biết,  giá dịch vụ tẩm quất 60 phút 60 ngàn đồng. Trong 60 ngàn đó, người trực tiếp làm được hưởng 23 ngàn đồng, còn lại 37 ngàn dành để trả tiền thuê cơ sở, tiền ăn uống của nhân viên. Cho nên, nghe Nghĩa nói về điều ao ước mà thấy sống mũi cay cay, vì như vậy, có nghĩa là mỗi ngày 24 tiếng chỉ ước 23 ngàn đồng. Mỗi giờ một ngàn. Ao ước đơn giản, sao với người mù, khó quá!

Lê Thị Hoài không dấu diếm tâm sự: “Cũng có lúc nản , cháu tính đi cơ sở khác. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại “vạn sự khởi đầu nan” nên anh em bàn nhau ở lại, bám cơ sở, có khách hàng thì phục vụ tận tình, chu đáo, nên dần dần tạo được uy tín của khách hàng”.

Khách hàng của cơ sở tẩm quất Tuệ Hồng là những người trung niên, già cả ốm đau, bệnh thần kinh, xương khớp, nhức mỏi cần được xoa bóp, bấm huyệt. Vì vậy, chiến lược của Tuệ là tìm được bài thích hợp phù hợp với loại đối tượng đặc biệt này.      .

Chị Nguyễn Thanh Hường- cán bộ phòng nghiệp vụ y tế TP Hà Tĩnh  cho biết, tại TP Hà Tĩnh có 122 cơ sở mát xa, thẩm mỹ, trong đó có 61 cơ sở mát xa được cấp giấy phép hành nghề, được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển, cơ sở tẩm quất của Tuệ cũng như các cơ sở tẩm quất người mù phải cạnh tranh. 

Vậy mà  giờ đây, Tuệ có thể an tâm với lượng khách ổn định hàng ngày đến yêu cầu dịch vụ. Cơ sở của Tuệ đã giải quyết công ăn việc làm cho 5 người cùng cảnh ngộ. Năm 2017, vợ chồng Tuệ đón tiếp một bé trai chào đời. Có trai có gái. Các con Tuệ đều khỏe mạnh, mắt  sáng bình thường.

Hành trình khởi nghiệp của Tuệ không chỉ cần được Tỉnh hội người mù khuyến khích, động viên, đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, mà cần được cộng đồng ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để những người mù có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, xóa mặc cảm tự ti về thân phận, giảm tải gánh nặng với gia đình và xã hội.

LÊ VĂN VỴ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh