CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:46

Hà Tĩnh: Câu chuyện cổ tích của liệt sĩ trở về sau 39 năm

 

Ông Phạm Văn Bình lấy di ảnh của mình trên ban thờ đem cất

 

Đã 41 năm trôi qua kể từ ngày nhập ngũ tháng 9 năm 1977 cùng 75 người trong xã Vọng Sơn, (nay là các xã Kỳ Sơn, Kỳ Lâm và một phần xã Kỳ Hợp) huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ông Phạm Văn Bình nay đã 61 tuổi mới  được trở lại chính nơi mảnh đất chốn rau cắt rốn của mình. Dù đường sá, nhà cửa và cuộc sống ở quê hương giờ đã khác xưa rất nhiều, nhưng vườn tược, núi đồi và sông Rào Trổ ...vẫn còn đó, và đặc biệt bao gương mặt bạn bè thân quen từ thủa hàn vi, dù có người tóc đã bạc trắng đang hiện hữu trước mắt mình, khiến ông Phạm Văn Bình  nấc lên những giọt nước mắt tủi mừng.
Ông Phạm Văn Bình đã trở về với quê nhà bằng da, bằng thịt. Thế nhưng, mẹ ông, anh trai ông và chị dâu ông đã qua đời, mà trước khi nhắm mắt xuôi tay họ cứ nghĩ rằng sang thế giới bên kia sẽ gặp lại ông cùng với người cha thương yêu của ông sum vầy trong giới cảnh. Bố mẹ, anh em ruột thịt giờ không còn ai, chỉ có 4 người cháu con của anh trai ông nay các cháu cũng đã có gia đình và có cuộc sống ổn định, biết rằng các cháu hết mực thương yêu ông và cháu nào cũng tự nguyện sẵn sàng đưa ông về chăm cho đến cuối đời.     

Ông Phạm Văn Bình ( người đừng) tâm sự với gia đình bạn bè người thân trong ngày giỗ chị dâu 

   
Chia sẻ với PV Báo Dân sinh, ông Phạm Văn Bình cho biết: Ông sinh năm kỷ hợi (1959), tuổi thơ gắn với miền núi rừng xa xôi hoang hút. Cha ông phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi, thậm chí còn phải đi hành khất để nuôi con. Không may một lần cụ băng rừng sang Quảng Bình để kiềm kế mưu sinh bị lũ cuốn trôi, mãi sau này người ta mới tìm được xác. Thế nhưng, ông vẫn theo học được hết phổ thông cấp II, và mặc dù học giỏi nhưng do nhà quá nghèo nên ông không thi vào cấp III, ở nhà đi rừng, làm ruộng giúp gia đình. Đến năm 1977 vừa tròn 18 tuổi đi bộ đội vào huấn luyện tại Khe Sanh ( Quảng Trị), sau đó sang chiến trường Campuchia biền biệt đến nay là đã 41 năm trời.
Hồi đó ông thuộc biên chế Trung đoàn 18, Quân khu 9 làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuhchia, đóng quân tại huyện Pờ Rây Nốc, tỉnh Công Pông Thom. Đầu năm 1981, hạ sĩ Phạm Văn Bình được đơn vị giao nhiệm vụ thông tin đưa tài liệu lên bộ tham mưu đóng cách đó khỏng 85km, trên đường đi qua phum Cam Dìa bất ngờ bị địch phục kích, ông bị thương do sức ép B40 nằm bất động ngoài bìa rừng. Sáng hôm sau tỉnh dậy thấy khát nước, ông bò xuống ruộng uống một hơi rồi nằm liệt bên bờ. Rất may sau đó có một số người dân đi làm rẫy qua phát hiện thấy ông họ thay nhau cõng ông về bản chăm sóc.
Hơn 2 tháng sau, bình phục sức khỏe, ông cám ơn bà con trong phum rồi trở về đơn vị. Không ngờ lúc này đơn vị đã chuyển đi đi nơi khác, mà theo ông dự đoán rất có thể chuyển lên khu vực biên giới Thái Lan. Không còn cách nào liên lạc được với đơn vị nên ông lại quay trở lại phum Cam Dìa ở với bà con trong phum và đi làm thuê làm mớn để sinh sống.

Ông ông Phạm Văn Bình thắp hương cáo với tổ tiên 


Năm 2004 ông gặp chị Piêng Ất ( SN 1970) cũng là người đi làm thuê, hai người yêu nhau rồi xây dựng gia đình và sinh được một cháu gái hiện đang theo học lớp 4. Sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng ông về định cư tại phum Com Pung Xoài, xã Xơ Rốc Péc, huyện Tà Péc, tỉnh Pờ Vây Vêng. Theo ông thì cuộc sống của gia đình ông ở bên đó vô cùng khó khăn, nơi ông ở lại xa đường giao thông, không có điện, các phương tiện nghe, nhìn hầu như không có, nên ông không hề biết thông tin gì ở quê hương. 
Tưởng chừng như cuộc đời sẽ không bao giờ có cơ hội trở về quê, nhưng như một cơ duyên, năm 2016 ông được người dân trong bản mách nước cho đi làm thuê tại Nông trường Cao su Văn Púc Thi, thuộc tỉnh Cơ Rô Chê. Tại đây ông gặp anh Nguyễn Nhật Dũng- Giám đốc nông trường là người đồng hương ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) được ông Dũng tạo điều kiện giúp đỡ và hỗ trợ ông về vật chất, đồng thời đưa lên mạng xã hội nhằm thông tin cho người nhà của ông biết được thông tin. Qua đó, cháu ruột của ông là anh Phạm Trung Hiếu và anh Phạm Văn Phúc lần tìm được địa chỉ, trình chính quyền địa phương làm thủ tục sang Campuchia đón ông về quê.

ông Phạm Văn Bình cùng vợ con ở Campuchia

Khi trở về quê hương bản quán, trước đó khoảng 2 tháng ông nằm mơ thấy mình về đứng giữa ngã ba đường đất trước ngõ nhà mình, thấy bạn bè xung quanh nhưng không cầm được tay ai cả. Ông gọi bà Liên có thuốc lá không, bán cho ông một gói. Bà Liên bảo, nhà chỉ có cau trầu chứ không có thuốc lá. Đó là giấc mơ đầu tiên và cũng là giấc mơ cuối cùng như vanh vách mà suốt mấy chục năm ở Campuchia ông mơ thấy, không ngờ đó lại là sự thật. Ông Bình chia sẻ thêm.

Bà Phạm Thị Lượt, (61 tuổi) bạn thân với ông, từng là lớp trưởng của ông từ thời con học phổ thông cấp II với nhau nói, cả làng quê của bà thời đó ai cũng khổ, nhà tranh vách đất, cơm không có ăn, không nhà nào có xe đạp, nhưng ông Bình và bà theo học đến hết cấp II là hiếm hoi lằm rồi. Chồng bà cũng từng hy sinh trong chiến tranh nên bà rất đồng cảm với nỗi đau và hạnh phúc của bạn mình, bà cho tất cả cũng chỉ tại vì chiến tranh mà thôi.

Ông Phạm Văn Bình gặp lại bà Phạm Thị Lượt, bạn từ thuở học trò 


Quay lại cuộc hành trình trở về quê cha đất tổ của ông Phạm Văn Bình, anh Phạm Trung Hiếu cháu ruột ông cho biết, ngày 1/11 anh cùng em trai  Phạm Văn Phúc sang Campuchia bằng đường bộ. Nhờ sự giúp đỡ của anh Nguyễn Nhật Dũng, anh em ông không khó khăn lắm để tiếp cận được nhà của chú ruột Phạm Văn Bình. Bước đầu thấy cảnh cuộc sống của chú ở bên đó quá khổ cực nên 2 anh em không cầm được nước mắt, nhưng thấy chú dù nghèo ngược lại rất hạnh phúc nên cũng rất mừng. Lúc đưa chú lên xe vợ của chú là mự Piêng Ất cũng chảy nước mắt động viên chồng đi, nhưng phải bảo toàn sức khỏe rồi nhớ trở về với mẹ con. Ông Bình cũng dặn vợ con ở nhà không phải lo gì cho ông, ông về quê một thời gian rồi sang đưa vợ con về Việt Nam chơi.
Trao đổi với chúng tôi ông Bình cũng nói, bây giờ bố mẹ, anh chị đã mất hết, nên ông tha thiết đưa được vợ con về ở hẳn nơi chính mảnh đất hương hỏa để vẹn miền hương khói cho tổ tiên.  Ngày các cháu đi sang Căm Pu Chia đón ông trùng và ngày giỗ của mẹ ông là bà Hoàng Thị Cáy mất năm 1992, các cháu cũng hi vọng kịp đưa ông về đúng vào dịp ngày giỗ đầu chị dâu của ông là bà Nguyễn Thị Mỹ vào trưa 8/11. Chính vì vậy, với sự trở về của ông Bình, trưa nay gia đình cháu chắt của ông đã tổ chức một đám giỗ cúng rất linh đình.

Vợ con ông Phạm Văn Bình tiễn ông về quê 

Ông Trần Bá Toàn- Trưởng phòng LĐ-TB& XH huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết: Trường hợp LS Phạm Văn Bình trở về quê sau khi đã báo tử từ năm 1993 có một số chồng chéo. Bởi LS Phạm Văn Bình hy sinh trong trường hợp chiến đấu mất tích năm 1981, trong lúc đó trong giấy báo tử lạ ghi chiến đấu mất tích năm 1979; LS Bình sinh năm 1959, trong lúc đó trong giấy báo tử lại ghi sinh năm 1954. Tuy vậy, đó chỉ là  những sơ suất trước đây.
Sáng mai (9/11), phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh sẽ phối hộ với BCHQS huyện Kỳ Anh và chính quyền  địa phương tiến hành lập biên bản xác minh. Sau đó báo lên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh và BCHQS tỉnh Hà Tĩnh  làm các thủ tục trình cắt chế độ thờ cúng LS Phạm Văn Bình, đồng thời cho ông Phạm Văn Bình đi giám định thương tật để làm chế độ thương binh (nếu có).

Người thân liên hoan cho ông Bình trước khi về Việt Nam 


Ông Nguyễn Anh Ngọc- Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết thêm: "Ông Phạm Văn Bình đã được xác nhận là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Campuchia và đã được ghi tên liệt sĩ trên đài tưởng niệm liệt sĩ của xã Kỳ Sơn. Dẫu sao ông Bình trở về là một niềm vui lớn cho gia đình và địa phương. Trước mắt xã sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên và sẽ vận động quyên góp và kêu gọi quyên góp, ủng hộ từ các đơn vị, nhà hảo tâm để xây dựng cho ông Bình một ngôi nhà để ở tại địa phương, nếu ông Bình mong muốn về sinh sống tại quê nhà".

Ông Bình và ông Phạm Thanh Mai ( trái) bạn thân từ nhỏ và nhập ngũ cùng ngày

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh