THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:39

Hà Nội tích cực đổi mới dạy và học theo hướng tích hợp, liên môn

 

Để chuẩn bị dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2018, các trường phổ thông ở Hà Nội đang tích cực thay đổi cách dạy và học, khuyến khích giáo viên dạy học theo chuyên đề tích hợp, liên môn và không ngừng đổi mới sáng tạo phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Dạy và học tích hợp, liên môn giúp học sinh tương tác tích cực. 

Đến thời điểm này, nhiều trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai tổ chức dạy học một số môn theo chuyên đề tích hợp, liên môn và được đánh giá có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu chương trình mới.

Tại Trường THCS Ái Mộ, quận Long Biên, tiết dạy học chuyên đề tích hợp, liên môn của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà với chủ đề “ô nhiễm không khí” được học sinh tích cực đón nhận. Chủ đề này được tích hợp kiến thức nhiều môn khoa học khác nhau như hóa học, sinh học, địa lý... Tại trường THCS Thạch Bàn tổ chức dạy chuyên đề tích hợp liên môn “Sơ lược về mỹ thuật hiện đại phương Tây từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20”. Những kiến thức về chuyên đề thể hiện rõ sự liên quan đến các môn Địa lý, Lịch sử, Vật lý, Âm nhạc, Văn học...

Còn ở Trường THPT Welling, giáo viên dạy tích hợp liên môn toán, lý, hóa... Khi thực hiện dạy các chuyên đề, giáo viên tổ chức cho học sinh có ý kiến phản biện. Học sinh được tổ chức thành nhóm, chủ động tìm hiểu và tổng hợp thông tin, lập báo cáo thuyết trình nội dung tìm hiểu và thuyết trình trước lớp, sau đó các bạn nêu câu hỏi phản biện để đại diện nhóm thuyết trình trả lời. Với cách dạy học mới này, ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Welling cho biết đã giúp cho tiết học ngày càng sinh động, phát huy hiệu quả các phương tiện dạy học, tăng cường tính tương tác vai trò của người học trong việc tiếp thu kiến thức, phát triển năng lực.

“Các lớp đều có áp dụng. Dạy và học theo chương trình liên môn, học sinh rất thích thú và gắn với thực tế, gắn với đặc trưng lứa tuổi ham sáng tạo, tìm tòi của các em. Học sinh khi học các môn này thì có một năng lực khác với cách dạy học tuyền thống cho nên hiện nay vẫn đang dạy thử trong một số tiết ở trường, để cho học sinh thực hành. Đây là điều làm cho học sinh hứng thú với môn học còn kết quả về thực hành thì rõ ràng là tốt”.

Thời gian tới, Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục yêu cầu 30 quận huyện, thị xã tổ chức ngày dạy học chuyên môn hàng tháng. Các trường chủ động tăng cường xây dựng các chuyên đề dạy học tích hợp liên môn trong mỗi môn học; mở nhiều lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm giữa giáo viên các trường. Đồng thời giáo viên đẩy mạnh đổi mới sinh hoạt chuyên môn, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, tăng cường vận dụng, thực hành và hoạt động trải nghiệm; đổi mới công tác thi và kiểm tra theo yêu cầu thực chất trong đánh giá. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội tăng cường hợp tác với các nước Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... xây dựng và thực hiện thành công chương trình dạy học theo hướng tích hợp, liên môn để học hỏi và áp dụng phù hợp với thành phố.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Đây là một trong những bước mà Hà Nội tiếp tục thực hiện có sự chủ động trong việc tiếp cận với cách thức làm của những nước có nền giáo dục tiên tiến. Qua đó, sẽ giúp cho giáo dục Hà Nội chỉ đạo một cách phù hợp hơn trong năm học 2017-2018. Việc dạy tích hợp giữa nhiều bộ môn giảm đi tính lý thuyết, hàn lâm. Trong nhiều năm qua, Giáo dục Hà Nội đã triển khai về nội dung này. Ví dụ như các cuộc thi khoa học kỹ thuật hàng năm dành cho học sinh trung học rồi các cuộc thi về tích hợp liên môn trong các nhà trường đối với học sinh, đối với giáo viên. Đối với cách thức dạy này học sinh cần có sự chủ động để tiếp cận tự giác và định hướng cho việc đó thầy cô phải thay đổi cách dạy...”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh