THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:45

Hà Nội sẽ có thêm 4 điểm chăm sóc, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng

Hà Nội sẽ có thêm 4 điểm chăm sóc, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng - Ảnh 1.

Hà Nội triển khai thêm 4 mô hình cai nghiện tại cộng đồng.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 125/KH-UBND Triển khai mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì năm 2020.

Kế hoạch do Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn ký nêu rõ: Mô hình này được thực hiện tại 4 phường, xã, thị trấn nhằm tạo điều kiện để người sử dụng ma túy (SDMT), người nghiện ma túy (NMT), người sau cai nghiện (SCN) và thân nhân của họ có nhiều cơ hội được tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị, hỗ trợ điều trị nghiện và các dịch vụ liên quan. Qua đó, giúp họ lựa chọn một hình thức điều trị phù hợp, hiệu quả nhất và phục hồi toàn diện tại cộng đồng.

UBND TP Hà Nội đặt ra mục tiêu năm 2020 có 100% người SDMT, người NMT, người SCN và gia đình đang cư trú tại địa bàn phường được truyền thông về phòng, chống ma túy; tiếp nhận, tư vấn chăm sóc điều trị, tư vấn pháp lý và xã hội cho 100 lượt người, ít nhất 40% số người đến tư vấn được chuyển gửi tới các cơ sở cung cấp dịch vụ; vận động 40 người tham gia điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng hoặc tự nguyện tại cơ sở cai nghiện.

Và, phấn đấu 100% người hoàn thành chương trình cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng và tại các cơ sở cai nghiện ma túy của phường, xã, thị trấn được quản lý, hỗ trợ giúp đỡ phòng chống tái nghiện... Giới thiệu học nghề cho 20 người khi tham gia tư vấn, chăm sóc điều trị tại cộng đồng.

Có 2 nhóm đối tượng áp dụng thực hiện mô hình này. Thứ nhất là nhóm khách hàng tham gia điều trị, cai nghiện gồm người nghiện ma túy đã được UBND phường, xã, thị trấn quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, người tham gia điều trị bằng thuốc thay thế Methadone và người nghiện ma túy có nhu cầu tham gia điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện.

Nhóm điều trị dự phòng nghiện ma túy gồm người đã từng sử dụng trái phép chất ma túy, xét nghiệm có chất ma túy trong nước tiểu nhưng chưa xác định tình trạng nghiện; người đã hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc bắt buộc tại gia đình, cộng đồng. Và, người đã kết thúc thời gian cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy; thân nhân của người nghiện ma túy đang tham gia điều trị tại Điểm tư vấn và người dân có sự quan tâm, tìm hiểu về ma túy, tác hại của ma túy, các vấn đề liên quan tới điều trị nghiện ma túy.

Tổng kinh phí dự kiến ban đầu cho thành lập và hoạt động của mô hình tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng là 476 triệu đồng. Trong đó kinh phí do Bộ LĐTB&XH cấp 200 triệu đồng phục vụ cho các hoạt động triển khai, tập huấn, tuyên truyền, tổng kết và thực hiện mô hình.

Căn cứ vào tình hình cân đối ngân sách, ngoài phần ngân sách Trung ương, TP và các tổ chức hỗ trợ, các quận, huyện cấp bổ sung kinh phí cho UBND phường, xã, thị trấn có thành lập Điểm tư vấn để triển khai tổ chức thực hiện, dự kiến 74 triệu đồng. Và 202 triệu đồng do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng động hỗ trợ trong năm 2020 cho hỗ trợ cho hoạt động Điểm tư vấn.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh