Hà Nội: Nhiều giải pháp giảm người nhiễm và tử vong liên quan đến HIV/AIDS
- Pháp luật
- 18:36 - 07/06/2022
Theo đó, căn cứ chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội, kế hoạch này đã xác định 3 nhóm mục tiêu cụ thể và 14 chỉ tiêu để hoàn thành các nhiệm vụ Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 7/1/2022 của UBND thành phố Hà Nội triển khai Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TƯ ngày 6/7/2021 của Ban Bí thư về "Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030".
Hà Nội cũng đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, trong đó, có kế hoạch bảo đảm tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS và phân bố ngân sách địa phương hằng năm cho phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch được phê duyệt.
Phấn đấu đến năm 2030, 100% người nhiễm HIV điều trị ARV tại cơ sở y tế tham gia bảo hiểm y tế. Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Có hệ thống thu thập số liệu đạt chất lượng để theo dõi tình hình dịch và đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Về mục tiêu, toàn thành phố phấn đấu: 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV); 97% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế.
Về chỉ tiêu, thành phố phấn đấu có 950 người nhiễm HIV mới được phát hiện năm 2022; 5.250 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone hoặc Buprenorphine; 70% người dân trong độ tuổi từ 15-49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; 14.318 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV)…
Để hoàn thành các nội dung trên, kế hoạch xác định 4 nhóm giải pháp chủ yếu (dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn xét nghiệm HIV; điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá và nghiên cứu khoa học) và nhiều hoạt động như: Dự phòng và can thiệp giảm tác hại; xét nghiệm và giảm HIV/AIDS; điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…
UBND thành phố giao các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội thành phố phối hợp, hỗ trợ các đơn vị y tế triển khai các hoạt động chuyên môn thực hiện mục thực hiện kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố năm 2022; tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS...
Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, năm 2022, Cục tiếp tục xây dựng trình cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các Nghị định số 90/2016/NĐ-CP, Nghị định số 75/2016/NĐ-CP, sửa đổi Quyết định 120/2008/QĐ-TTg, ban hành Thông tư thay thế liên quan đến Hướng dẫn giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; các quy định chế độ báo cáo công tác phòng, chống HIV/AIDS…
Đặc biệt là tiếp tục tăng số lượng bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV nguồn Bảo hiểm y tế lên 120.000 bệnh nhân; hướng dẫn các địa phương xây dựng và trình duyệt đề án, kế hoạch đảm bảo tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS theo Quyết định1246/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Ngoài ra, để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân, viên chức, lao động, bên cạnh nhiều hình thức tuyên truyền, lồng ghép các hoạt động, phong trào… Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội hướng dẫn các cấp Công đoàn Thủ đô biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tạo sức lan tỏa trong cán bộ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động…