Đà Nẵng tổ chức Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021
- Y học 360
- 15:59 - 13/11/2021
Với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 trên địa bàn TP Đà Nẵng được tổ chức nhằm tăng cường sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Đồng thời, qua đó đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
UBND TP Đà Nẵng giao UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các hoạt động chủ yếu trong Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 trên địa bàn TP Đà Nẵng gồm: đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông qua mạng xã hội; tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên môn và khoa học về HIV/AIDS theo hình thức trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp; triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác như: triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng HIV, tuân thủ điều trị.
Vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS. Tăng cường việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; cấp phát Methadone nhiều ngày trong trường hợp dịch bệnh phức tạp, cấp thuốc ARV nhiều ngày cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Đồng thời, vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, đảm bảo cho người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế một cách liên tục; nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS…