Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3
- Giáo dục nghề nghiệp
- 06:43 - 08/10/2022
Theo đó, tại quyết định của Bộ GD&ĐT, thành phố Hà Nội được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 tại thời điểm tháng 12/2021.
Hà Nội được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 vào năm 2001, đạt mức độ 2 vào năm 2018.
Để được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, Hà Nội đã đạt mục tiêu tất cả các quận, huyện, thị xã đều đạt chuẩn phổ cập, 98,8% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; 99,82% số học sinh tốt nghiệp THCS; tỷ lệ thanh niên, thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 98,49%... Các điều kiện bảo đảm chất lượng (cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên) đạt yêu cầu.
Một trong những thách thức đối với công tác phổ cập giáo dục của Hà Nội đó là tính chất của địa bàn rộng, quy mô giáo dục lớn. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ còn một số khó khăn như chênh lệch về điều kiện kinh tế, xã hội giữa địa bàn nội thành và ngoại thành; nhiều điểm lẻ ở ngoại thành còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, số lượng di dân cơ học lớn…
Để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập, phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, năm 2021, thành phố Hà Nội đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường học; nâng cao điều kiện và chất lượng giáo dục dân tộc; làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, vận động học sinh bỏ học tiếp tục đi học; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Thời gian tới, để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập, ngành GD&ĐT Hà Nội chủ động xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp một cách hợp lý, tạo điều kiện cho học sinh được học tập trên các địa bàn; đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học.
Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm bảo số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp đã được phê duyệt bảo đảm duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện.