Tăng cường các dịch vụ công, thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động
- Dược liệu
- 03:15 - 08/03/2019
Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự Tiến bộ phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Hà; Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam ông Kamal Malhotra cùng đại diện các bộ, ban, ngành các tổ chức chính trị xã hội và đại diện từ hơn 10 tỉnh thành trong cả nước.
Thiếu các dịch vụ công – rào cản phụ nữ tham gia thị trường lao động
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tăng cường khung pháp lý và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và tiếp cận dịch vụ công cho người dân. Tuy nhiên, phụ nữ phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi chính sách an sinh xã hội và các dịch vụ công chưa phản ánh đúng nhu cầu của họ. Ngoài những rủi ro mà nam giới cũng gặp phải như bệnh tật, thất nghiệp và yếu đuối do tuổi già, phụ nữ phải đối mặt với việc sinh nở và công việc chăm sóc không được trả lương, cản trở những nỗ lực của họ khi tham gia thị trường lao động.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Action Aid Việt Nam với sự tham gia của gần 8.000 người (năm 2015) cho thấy một phụ nữ ở tỉnh Hà Giang có thể tiết kiệm 56 ngày làm việc mỗi năm nếu gia đình họ được cung cấp nước sạch. Tại TP.Hồ Chí Minh, nghiên cứu do UN Women thực hiện năm 2016 cho thấy dịch vụ giao thông công cộng chưa phù hợp với nhu cầu an toàn của phụ nữ và trẻ em gái đã hạn chế khả năng di chuyển trong công việc và từ đó hạn chế sự tham gia các hoạt động kinh tế xã hội khác của họ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh vai trò của dịch vụ công đối với việc làm bền vững của phụ nữ.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, một trong những nội dung quan trọng của an sinh xã hội là thúc đẩy việc làm bền vững và phát triển thị trường lao động. Trong thời gian qua, công tác giải quyết việc làm cho lao động nữ có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2018, trong số người được tạo việc làm mới thì lao động nữ chiếm 48%. Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ là 1,85%, thấp hơn so với lao động nam.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động luôn ở mức cao, khoảng 71,55%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%. Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, hệ thống phát luật, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chất lượng việc làm còn thấp. Lao động nữ chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, năng suất thấp với điều kiện lao động kém, thu nhập không ổn định. Thu nhập của lao động nữ thấp hơn lao động nam. Hệ thống chính sách hỗ trợ lao động nữ di chuyển đến các khu công nghiệp, khu đô thị còn thiếu. Một số quy định còn hạn chế khả năng tiếp cận của người di cư, trong đó có nữ lao động di cư đến các dịch vụ xã hội cơ bản tại các đô thị. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là quấy rối tình dục đối với phụ nữ tại nơi làm việc vẫn tiếp tục diễn ra.
Tăng cường an sinh xã hội, nâng cao dịch vụ công
Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững là những lĩnh vực không thể thiếu để thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Chương trình Nghị sự 2030 về các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Đầu tư vào lĩnh vực này là thiết yếu để giải phóng thời gian của phụ nữ, hỗ trợ việc di chuyển của họ, tăng cường việc tiếp cận các cơ hội giáo dục, y tế, kinh tế, và tăng khả năng chống chọi với những khó khăn trong cuộc sống”.
Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam ông Kamal Malhotra phát biểu.
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đặc biệt hướng tới phụ nữ và trẻ em, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị, đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng, việc thực thi các chính sách an sinh xã hội hiện nay cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ công của phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh mới và nâng cao nhận thức của cộng đồng về xóa bỏ định kiến giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ trong thời gian tới. Đồng thời, trên cơ sở các bài trình bày của các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế gợi ý để cơ quan hoạch định chính sách có thể xây dựng một hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, triển khai các dịch vụ công một cách hữu hiệu để đảm bảo thực hiện bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất và khuyến nghị: Thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ vào đối thoại chính sách liên quan đến hệ thống bảo trợ xã hội, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững; Đầu tư vào các lĩnh vực này để tăng năng suất và cơ hội của phụ nữ làm việc trong nền kinh tế phi chính thức; Chú trọng yếu tố giới trong thu thập dữ liệu để đưa ra các chính sách phù hợp; Tạo và tăng cường các cơ chế đảm bảo bình đẳng giới, như kiểm toán giới, khi đánh giá hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ công cộng và các dự án cơ sở hạ tầng; Khuyến khích tham gia của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này.
Toàn cảnh hội thảo.
Kết quả trao đổi thảo luận của Tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy đề xuất chính sách và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động, đồng thời đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động của Chính phủ về Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030. Các thông tin chia sẻ và khuyến nghị tại cuộc tòa đàm sẽ đóng góp vào báo cáo của Việt Nam tại Khóa họp lần thứ 63 của Ủy ban địa vị phụ nữ được Liên Hợp Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 3 tại New York (Mỹ).