CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:56

Thị trường lao động là một trong những lựa chọn đột phá của năm 2019

- Xin Bộ trưởng cho biết, trước sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động có sự thay đổi thế nào?

Với chuyển biến chung, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, thị trường lao động Việt Nam đã tạo được những chuyển động rất quan trọng. Từng bước vận hành theo kinh tế thị trường có sự định hướng xã hội chủ nghĩa; sự quản lý của Nhà nước về thị trường lao động, và vấn đề lao động ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Sự chuyển động này tương đối rõ rệt, nhất là năm 2018, đặc biệt đã đào tạo và tạo việc làm mới cho 1,64 triệu người. Tỷ lệ người lao động ở khu vực nông nghiệp đã giảm dần, từ 42% đến nay chỉ còn 38,3%. Cùng với đó số lao động có quan hệ lao động, hợp đồng lao động tăng dần lên, số đó hiện nay đạt 45,3%.

Thêm nữa, từ xu hướng chung chạy theo bằng cấp, chạy theo trình độ cao, dần dần người lao động đã lựa chọn thông minh hơn, biết chọn những công việc, lĩnh vực mà mình có khả năng tham gia, và phù hợp với năng lực, sở trường cũng như điều kiện lựa chọn, nhất là thông qua Giáo dục nghề nghiệp.

 

Bộ trưởng Bộ Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi 2019 (Ảnh: Mạnh Dũng)

 

Chính vì vậy, có thể thấy điều đáng mừng, là nếu như năm 2017 có khoảng trên 200 ngàn số sinh viên có trình độ cao đẳng rơi vào tình trạng thất nghiệp, thì cho đến tháng 10/2018, số này giảm được trên 50%. Các doanh nghiệp cũng đã chọn lọc hơn, và chúng ta chủ động hơn trong vấn đề kết nối cung cầu.

Do đó, nhìn chung mà nói, thị trường lao động Việt Nam đã chuyển  dịch đúng hướng và có hiệu quả, góp phần quan trọng để từng bước nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

- Với gần 143 nghìn người xuất khẩu lao động trong năm qua, cho thấy đây là năm thứ 3 liên tiếp xác lập kỷ lục mới về xuất khẩu lao động. Cùng với đó, cũng trong năm 2018, giải quyết được 1,64 triệu việc làm mớiPhải chăng đây là “mốc” quan trọng để trong năm 2019, Bộ lựa chọn thị trường lao động là một trong những đột phá?

Trung ương quyết định có 3 khâu đột phá chiến lược (gồm thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực- PV). Một trong 3 khâu đó, chính là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, chúng ta phấn đấu hình thành thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh, phát triển theo xu hướng thị trường, là một khâu quan trọng để tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để xây dựng thị trường lao động đồng bộ, việc đầu tiên phải chăm lo là chú trọng kết nối cung cầu, đưa ra dự báo, chiến lược dài hạn, ngắn  hạn, và từng ngành nghề, từng lĩnh vực để chúng ta có chiến lược lâu dài, sử dụng phù hợp nguồn nhân lực. Xu hướng là tạo cho người lao động lựa chọn thông minh trong lĩnh vực ngành nghề mà chúng ta đưa ra.

Thứ hai, chọn thị trường lao động là lĩnh vực đột phá trong năm 2019, thì phải kết nối đồng bộ giữa đào tạo với tạo việc làm, với xuất khẩu lao động; giữa đào tạo mới với đào tạo lại, nhất là đào tạo người chưa có việc làm, chưa có trình độ - nhất là khu vực nông thôn, để chuyển dịch dần số lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức.

Hiện nay, chúng ta đang phải trả lời câu hỏi: vì sao năng suất lao động Việt Nam thấp. Có 2 chuyện. Thứ nhất, tỷ lệ hiện nay là 38,3 % lao động đang trong nông nghiệp. Gần 70% nông dân đang ở khu vực nông nghiệp, nhưng đóng góp vào GDP mới chỉ 16- 18%. Do đó, việc đầu tiên muốn nâng cao năng suất lao động thì phải chuyển  dịch lực lượng lao động nông thôn này sang lao động có hợp đồng, có quan hệ lao động mới, sang ngành nghề lĩnh vực mới, có như vậy mới có năng suất lao động cao hơn.

Thứ hai, phải cùng với đó, giải quyết được bài toán mà kinh tế chưa quan sát được ở lĩnh vực này. Trọng tâm, là chuyển sang lao động có quan hệ lao động và có hợp đồng lao động. 

Tại sao chúng tôi chọn lĩnh vực thị trường lao động làm đột phá 2019, còn có lý do nữa là để tạo ra sự đồng bộ giữa kết nối đào tạo nghề với xuất khẩu lao động, với giải quyết thất nghiệp, đào tạo lại cho người thất nghiệp.

Chúng ta có khoảng 11 triệu người lao động trong đó khoảng 6 triệu là lao động ở khu vực FDI hiện nay cũng cần đào tạo lại. Thế rồi, để chuẩn bị đối phó với già hóa dân số và đề phòng cả việc sa thải lao động nữ độ tuổi 30- 35.

Tất cả các vấn đề đó, chúng ta chỉ có thể làm được khi tạo ra một thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh, gắn kết giữa đào tạo với dạy nghề, gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn; với đào tạo mới, đào tạo lại cho người lao động; và gắn kết giữa doanh nghiệp với đào tạo; gắn kết doanh nghiệp với thị trường; đồng thời gắn kết giữa trong nước với thị trường quốc tế.

Có như vậy mới tạo ra sự chuyển dịch cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phải chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, để đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

- Tạo việc làm luôn là thách thức cả về mặt số lượng và chất lượng. Vậy trong 2019, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục hướng đến chất lượng hay sẽ là số lượng, thưa Bộ trưởng?

Phải quan tâm cả hai. Vừa số lượng vừa chất lượng. Mỗi năm chúng ta có khoảng 700 ngàn người gia nhập vào thị trường lao động, và cũng hàng năm chúng ta giải quyết đc xấp xỉ 500 ngàn người. Như vậy, vẫn còn khoảng 200 ngàn người thất nghiệp.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  trò chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động tại Phiên giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: Quang Dương)

 

Vì thế, việc đầu tiên, phải cố gắng để giải quyết cho mọi người có công ăn việc làm. Đây phải là ưu tiên số một. Nhưng không có nghĩa chỉ chạy theo số lượng.

Năm 2018, giải quyết được 1,64 triệu việc làm mới, thì năm 2019, con số này phải cao hơn. Vì số học sinh lớp 9 các cháu rẽ ngang sẽ tăng lên. Như vừa nói, đi với số lượng phải đặc biệt quan tâm chất lượng.

Chất lượng ở đây là phải toàn diện, chú trọng những ngành nghề, những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao, chuyên môn cao, bắt kịp xu hướng phát triển ở trong nước, cũng như quốc tế. Nhất là những nghề như tin học, ngành nghề du lịch, những nghề các nước phát triển đang đòi hỏi, chứ không chỉ lao động phổ thông nữa.

Như vậy, có thể nói rằng, quan điểm của Bộ là quan tâm cả hai một cách đồng bộ- cả số lượng lẫn chất lượng đào tạo.

- Bộ trưởng có thể đưa ra dự báo ngành, nghề nào sẽ thu hút lao động trong năm 2019. Và trong tương lai, các cơ sở đào tạo nghề, các trường nghề sẽ phải có những thay đổi như thế nào để có thể nắm bắt được các xu hướng đó, thưa Bộ trưởng?

Các ngành nghề tập trung thu hút trong năm 2019- 2020, trước hết chủ yếu vẫn là khu vực FDI. Khu vực này dự báo sẽ tiếp tục thu hút lao động, rồi đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Để thực hiện chuyển dịch kinh tế nông thôn, theo hướng ly nông ko ly hương, các doanh nghiệp, các công nghiệp ở ngay nông thôn, như vậy người nông dân có thể ăn cơm nhà, làm công nghiệp.

Thứ 2, một số ngành nghề ưu tiên, sẽ tập trung vào những ngành nghề công nghệ, các ngành nghề khoa học như tin học, đào tạo cho lĩnh vực du lịch cũng tăng lên.

Rồi một số ngành nghề phù hợp với xu hướng chuyển dịch của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tăng lên. Số này chủ yếu dành cho các người được đào tạo căn bản. Lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp sẽ chủ yếu xoay quanh nhu cầu này.

Và Giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung kết nối doanh nghiệp, những doanh nghiệp như cơ khí, đào tạo, lắp ráp... và một số lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ 3, cũng trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp sẽ hướng mạnh sang một số lĩnh vực có yêu cầu trình độ cao để phù hợp với ngành nghề mà các nước yêu cầu. Có thể kể đến một số thị trường như: Đức, Thụy Điển, Rumani, Australia, Singapore...

 - Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Nguyễn Thanh (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh