THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:57

Hà Nội: Các trường trung cấp chuyên nghiệp khó tuyển sinh

 

Học nghề cũng là hành trang tốt để vào đời chứ không nhất thiết phải học đại học. 

 Trường “khát”… học sinh

Theo ông Lê Việt Dương, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp của Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố hiện có 48 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và 6 trường CĐ đào tạo hệ TC. Năm học vừa rồi được giao tuyển sinh hệ chính quy là gần 40.000 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển sinh được hơn 18.300 (đạt hơn 57%). So với năm học 2014 - 2015, số học sinh TCCN tuyển mới của Hà Nội giảm hơn 7.000. Chỉ có 5 trường tuyển đạt chỉ tiêu, 12 trường tuyển được trên 50%, 19 trường chưa đến 50% chỉ tiêu; đặc biệt có 12 trường không tuyển sinh được.

Nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp dự báo, năm học mới tình hình tuyển sinh của khối trường này sẽ có nguy cơ tệ hơn, do đồng thời chịu 2 yếu tố khách quan chi phối. Đó là chủ trương chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước với giáo dục nghề nghiệp và chủ trương không tuyển dụng nhân lực có trình độ trung cấp với một số ngành trong lĩnh vực y tế. Đào tạo TCCN nhiều năm nay gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù Nhà nước đã mở lối thoát cho trường bằng chủ trương phân luồng sau THCS nhưng vẫn không cứu vãn được tình hình.

Hiệu trưởng trường TCCN Kinh tế - Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Hải cho biết, mấy năm qua, trường chỉ tuyển được khoảng 200 học viên trong tổng số 600 chỉ tiêu được giao. “Đó là do những hạn chế về cơ chế chính sách. Những năm qua, chúng tôi tìm mọi cách để tồn tại”, bà Hải chia sẻ. 

Theo bà Hải, những cách mà trường tìm để tồn tại, đó là đào tạo liên kết, đào tạo ngắn hạn theo đơn đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Với chương trình đào tạo 3 năm (đối với học sinh tốt nghiệp THCS), tuy có nhiều nguồn, có nhiều cơ hội nhưng với các trường ngoài công lập thì bị loại ngay từ vòng đầu tiên, vì học phí cao mà người học không được hỗ trợ gì khác.

Ông Vũ Đức Tuấn, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật đa ngành Sóc Sơn cho biết, trong quá trình đào tạo của trường thì ngành thu hút học sinh nhất vẫn là Y dược, ô tô, tin học. Tuy nhiên, giống như các ngành đào tạo TCCN nói chung, các trường phải hết sức nỗ lực mới đạt được xấp xỉ chỉ tiêu tuyển sinh. 

 Tập trung vào ngành mũi nhọn

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, thách thức rất lớn mà hệ thống trường TCCN hiện nay phải đối mặt chính là sự thiếu lòng tin của người dân vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong thời gian qua, dù Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỉ cho các trường nghề nhưng quy mô tuyển sinh mà hệ thống trường này đạt được nhỏ hơn rất nhiều so với hệ thống trường TCCN.

Theo ông Vinh, thực tế các trường TCCN vẫn còn rất nhiều nguồn tuyển. Đó là khoảng 250.000 học sinh tốt nghiệp THCS, không đi học THPT, không đi học nghề và THPT không đi học ĐH, CĐ. “Muốn tận dụng được nguồn này, không có cách nào khác các trường TCCN phải tìm đến các trường THCS, THPT để học sinh làm quen với trường. Ngoài ra, các trường cũng cần phải thay đổi cấu trúc chương trình. Các môn chung như giáo dục quốc phòng để dạy sau, nên dạy trước các môn thực hành, kỹ năng để học sinh có hứng thú học, giữ chân được các em”, ông Vinh đề xuất.

 

Ảnh minh họa.


Bàn về sức hút đối với TCCN, ông Vũ Đức Tuấn, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật đa ngành Sóc Sơn chia sẻ: Chỉ có xây dựng uy tín trên nền tảng chất lượng là cách thức duy nhất để đảm bảo đầu vào. Gần như toàn bộ khoản chi thường xuyên của trường đều dồn hết vào đầu tư cơ sở vật chất tạo môi trường sư phạm, đặc biệt là cơ sở thực hành ngay tại trường, thay vì cho học sinh thực hành bên ngoài với nhận xét tốt dù có học được hay không học được gì. Đồng thời, nhà trường tổ chức kiểm tra, thi vấn đáp để biết được học sinh tích lũy được gì, làm được gì chứ không phải chỉ tấm bằng. Bởi sắp tới kể cả ĐH, tấm bằng cũng không thay thế được thực lực.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, các trường TCCN cần đổi mới quản lý theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực; đồng thời cần tìm ra một ngành mũi nhọn và cùng hợp tác với nhau. “Các chương trình mà trường đào tạo ra phải có việc làm, đặc biệt là các chương trình hợp tác. Mỗi trường cần xây dựng một ngành mũi nhọn. Nếu các trường không có ngành mũi nhọn thì sẽ khó thu hút được học sinh. Mỗi trường một ngành, nhưng hợp tác lại tạo thành một trường mạnh. Đến năm 2018, không đào tạo trung cấp mà đào tạo trình độ CĐ, thì trường nào có đủ điều kiện sẽ trở thành trường CĐ và đào tạo được”, ông Phạm Văn Đại cho hay.

Theo ông Đại, nếu các trường hết sức bình tĩnh nghĩ cách làm sao tồn tại và phát triển thì cho dù chuyển đổi cơ quan quản lý cũng sẽ không vấn đề gì. Có chủ quản ngành nào thì các trường vẫn được hoàn toàn tự chủ về tài chính, về chương trình... như cách mà lâu nay Sở vẫn thực hiện với các trường TCCN. Còn với các trường y dược, nên tư duy theo cách là thích ứng, phát triển thế nào với sự thay đổi mà Nhà nước đã đưa ra lộ trình.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh