THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:06

Hà Nội: Đất dự án biến thành “núi phế thải”

Phế thải đổ tràn lan tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Theo phản ánh của người dân xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội), nhiều năm qua, tại ngõ 286 đường Nguyễn Xiển, tình trạng đổ phế thải xây dựng vô tội vạ trên quỹ đất nông nghiệp thu hồi, phục vụ cho dự án phát triển đô thị của thành phố diễn ra công khai, trong một thời gian dài, biến khu vực tiếp giáp với UBND xã chỉ khoảng 100m thành “quả đồi nhân tạo” khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, lấp đi hệ thống thoát nước...

Sự việc ít nhiều đã được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, nhưng thời gian qua diễn biến càng thêm phần phức tạp. Những khối rác thải sau nhiều ngày lưu cữu chất thành từng đống khổng lồ. Không những bùn, đất, vật liệu xây dựng được đem tới đây, mà còn rất nhiều loại phế thải, rác rưởi... cũng được nhiều đối tượng mang đến ngõ 286 đổ, khiến cho khu vực này bị ô nhiễm nặng, hàng ngày, mùi hôi thối bốc lên từ các bãi rác làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân… Ông Phan Mạnh Hùng, người dân xóm Lẻ, bức xúc cho biết, cách đây một thời gian, xe tải ngày nào cũng ồ ạt chở phế liệu vào đổ. Mỗi khi trời mưa, gió to, rác bốc mùi, còn khi trời nắng, bụi và ruồi muỗi bay tứ phía, rất mất vệ sinh. Những đối tượng đổ trộm bùn đất, chất thải ra khu vực này rất hung hãn, đổ cả ngày lẫn đêm như chốn không người.

Xe chở phế thải vào đổ tại đất dự án tây nam Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. 

Kế sát địa bàn xã Tân Triều là khu đất dự án tây nam Kim Giang, cách hầm đường bộ H15 từ đường Nguyễn Xiển vào vài trăm mét. Theo quan sát của chúng tôi, có đến hàng chục nghìn m2 đất dự án đã bị đổ phế thải cao ngun ngút. Đứng trên bãi rác thải nhìn về phía xã Tân Triều, những ngôi nhà cao tầng hầu như đều nằm trong tầm mắt, thậm chí những ngôi nhà 2-3 tầng dường như quá thấp so với những bãi rác này. Xung quanh những bãi phế thải mới được đổ, những bãi phế thải cũ cỏ đã mọc xanh tốt, cao hàng mét, trông chẳng khác gì những quả đồi. Cũng tại đây, lán trại được dựng lên, có người bảo vệ, thu phí các xe ra vào đổ phế thải hẳn hoi.

Ngay đầu đường vào bãi phế thải này, UBND quận Hoàng Mai đã cắm biển “Cấm đổ đất phế thải” rất to, thế nhưng có lẽ đã “vô tác dụng”, khi ngày cũng như đêm, có tới hàng chục xe tải chở đầy rác, đất, đá... đến đây đổ vô tội vạ mà không thấy bóng cơ quan chức năng đâu.

iển cấm đổ đất, phế thải của UBND quận Hoàng Mai.  

Tại các bãi phế thải, có khá nhiều thứ như sắt, thép, nhựa... được đổ cùng, nhưng điều kì lạ là không hề thấy bóng dáng người lượm ve chai. Hỏi thăm người dân được biết, bãi phế thải này được “đầu gấu” bảo kê, việc ra vào đây là rất khó, chỉ có xe chở vật liệu được phép của những tay “bảo kê’ mới được đi vào, còn kể cả người dân đi bộ ngang qua đây cũng bị đuổi ra. Nếu như vào bãi mà không có sự cho phép của những người này thì rất dễ xảy ra chuyện.

Tình trạng đổ phế thải tràn làn trong nhiều năm sẽ khiến các dự án gặp khó khăn, bởi khi triển khai, các chủ đầu tư sẽ phải tốn khoản chi phí không nhỏ để giải phóng mặt bằng, bởi việc di chuyển nguyên một “quả đồi nhân tạo” đi chỗ khác là điều không dễ, chưa nói đến việc sẽ dời “núi phế thải” đi đâu để không ảnh hưởng đến quy hoạch của thành phố và cuộc sống người dân ? Tình trạng đổ trộm phế thải đã tái diễn nhiều năm nhưng chính quyền không có động thái xử lý triệt để, khiến cho dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có sự thông đồng, bao che cho vi phạm?.

THÀNH NAM/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh