THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:49

Vĩnh Phúc: Lợi dụng dự án để trục lợi

 

Buông lỏng quản lý, đá trách nhiệm

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hai loại đất được khai thác chính là đất san lấp phục vụ cho các dự án xây dựng và đất phục vụ cho các nhà máy sản xuất gạch. Để đáp ứng nhu cầu này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt quy hoạch và cấp phép một số điểm mỏ cho doanh nghiệp khai thác.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số sai phạm phổ biến. Đối với các điểm mỏ đã được cấp phép, sai phạm chủ yếu là khai thác không đúng với độ sâu, ranh giới được cấp phép. Mỏ được cấp để phục vụ cho dự án này nhưng lại mang sang dự án khác hay mỏ đất san lấp nhưng doanh nghiệp lại mang bán cho các nhà máy gạch; đối với những điểm mỏ chưa được cấp phép khai thác, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng vị trí giáp ranh với điểm mỏ được cấp phép để tiến hành khai thác đất trái phép. Bên cạnh đó, việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương cũng tiếp tay cho nạn “đất phỉ” hoành hành.

 

Có mặt tại khu đồi Nhà Bò, xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, theo ghi nhận của phóng viên, tại đây hoạt động khai thác đất trái phép diễn ra rầm rộ, hàng chục chiếc xe tải các loại liên tục vào bãi lấy đất để chở ra ngoài mà không gặp phải bất kỳ sự trở ngại nào. Mặt dù việc khác thác đất trái phép đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương nơi đây lại không hề hay biết (?). Thậm chí, do địa bàn giáp ranh nên cán bộ địa phương này còn đổ lỗi cho địa phương khác.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Nguyên, cán bộ địa chính xã Yên Thạch xác nhận: “Từ năm 2015, nhóm người này khai thác đất bên thị trấn Lập Thạch (huyện Lập Thạch) nhưng lại đi qua đất của xã Yên Thạch. Đầu năm 2016, họ chở bằng xe bốn chân đi qua nhưng cũng không có ý kiến gì với xã”. Thế nhưng, trái ngược với ý kiến của ông Nguyên, ông Nguyễn Công Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Lập Thạch lại cho rằng, việc khai thác đất trộm trên địa bàn thị trấn đã diễn ra vào cuối năm 2015 và đã bị công an bắt, xử lý. Còn việc khai thác đất mới đây thuộc địa phận xã Yên Thạch chứ không liên quan đến đất thị trấn. 

Núp bóng dự án để trục lợi

Ngày 15/9/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Quyết định số 2461/GP-UBND cho phép Công ty TNHH Dịch vụ Ngọc Anh (Công ty Ngọc Anh) được “Tận thu khoáng sản đất đắp bờ tại chỗ, vận chuyển đất san lấp, sỉ than gạch vỡ, đất sét làm gạch trước khi thực hiện dự án đầu tư cải tạo để phát triển kinh tế trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Lô 27, Đội Kim Thành” thuộc địa phận xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Hiện trường đất đai sau khi thực hiện Quyết định số 2461.

Theo giấy phép đã cấp cho Ngọc Anh thì diện tích của dự án là 3,57 ha, trữ lượng đất thừa vận chuyển ra ngoài dự án là 48.674,6m3, công suất khai thác 30.000 m3/năm. Thời hạn giấy phép là 18 tháng kể từ khi giấy phép được cấp.

Điều đáng chú ý trong giấy phép này là mức sâu theo dự án công ty lập, từ có tự nhiên đến mức xâm thực của khu vực, trung bình là 1,2 - 1,8m. Tuy nhiên, ngay sau khi có giấy phép, Công ty Ngọc Anh đã huy động một lượng lớn máy múc, xe ô tô trọng tải lớn đến đào bới một cách vô tội vạ nhằm lấy đất sét bán cho nhà máy gạch.

Quan sát thực tế tại hiện trường, Công ty Ngọc Anh đã tổ chức rất nhiều điểm khai thác đất khác nhau. Có những điểm Công ty Ngọc Anh đã đào bới với độ sâu hơn chục mét. Ba chiếc máy múc được chia làm 3 tầng, thay nhau múc đất từ độ sâu hơn chục mét để quăng lên ô tô.

Để thực hiện hành vi sai phạm này, trên con đường độc đạo dẫn vào dự án, doanh nghiệp đã lập “tường lửa” với những đối tượng có diện mạo dữ dằn, canh gác liên tục 24/24 giờ. Khi có người lạ xuất hiện, các đối tượng này tìm mọi cách ngăn cản không cho đến gần khu vực mà công ty đang thực hiện việc khai thác khoáng sản.

Anh T, một người am hiểu về chất lượng đất gạch trên địa bàn cho biết: Việc doanh nghiệp xin giấy phép tận thu khoáng sản dự án chỉ là cái bình phong để doanh nghiệp lợi dụng thực hiện hành vi sai phạm. Thực tế tại dự án cho thấy, doanh nghiệp đã múc đất quá với độ sâu của giấy phép được cấp. Những điểm có đất sét mà bán được cho nhà máy gạch thì công ty đã đào bới một cách vô tội vạ. Sau khi khai thác lượng lớn đất gạch với độ sau hơn chục mét này, rất có thể doanh nghiệp sẽ lấy những loại đất không bán được để lấp vào các hố sâu đã khai thác đất gạch. Đây có thể được coi là hành vi ăn trộm khoáng sản của Nhà nước.

Nếu quan sát việc triển khai dự án của Công ty Ngọc Anh, đặc biệt là các hố sâu do công ty đang triển khai múc đất thì không ai có thể tin rằng đây là dự án nuôi trồng thủy sản mà chỉ nghĩ là dự án khai thác khoáng sản đơn thuần.

Việc làm vi phạm pháp luật của Công ty Ngọc Anh đã diễn ra trong suốt một thời gian dài thế nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý khiến dư luận cho rằng cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đang làm ngơ cho doanh nghiệp “xẻ thịt” dự án.     

HẠNH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh