Hà Nam: Dạy nghề dựa trên nhu cầu của nông dân
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:20 - 11/12/2020
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chất lượng nguồn lao động và việc làm cho lao động nông thôn ở tỉnh Hà Nam từng bước được nâng cao, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Là tỉnh thuần nông, nên nhu cầu được học nghề nông nghiệp, để phục vụ tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất trồng trọt, chăn nuôi của nông dân trên địa bàn cũng rất lớn. Nắm bắt điều này các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng tập trung rất mạnh vào các ngành nghề nông nghiệp.
Gần đây nhất, tháng 8/2020, Hội Nông dân xã Đồng Hóa tổ chức lớp dạy nghề nuôi và phòng bệnh cho gà cho 25 học viên nông dân. Đây đều là những nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại các dự án và lao động thuộc các gia đình chính sách trong xã. Lớp học do Trung tâm Khuyến nông Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam, tổ chức khai giảng.
Ông Nguyễn Văn Thông – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam cho biết, trong 3 tháng học tập, học viên sẽ được các giảng viên truyền đạt các kiến thức cơ bản về nuôi và phòng bệnh cho gà, nhận biết và phòng các bệnh trong chăn nuôi gà, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi gà, để đạt năng suất, hiệu quả cao trong chăn nuôi nói chung và nuôi gà nói riêng. Sau 3 tháng học tập các hoc viên lớp học đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ học nghề.
Nông dân Tô Hiệu Cẩn, 48 tuổi (xã Đồng Hóa, Kim Bảng, Hà Nam) là một trong số 25 học viên đang tham gia lớp học. Ông Cẩn cho biết, dù đã từng chăn nuôi gia cầm khá lâu, nhưng có những kiến thức đến giờ ông mới biết. Ví dụ như cách sử dụng thuốc thú y đúng cách; cách chọn giống, lai giống với gà sinh sản; hay như cách tổ chức sản xuất; maketing sản phẩm... kết nối tiêu thụ sản phẩm với thị trường.
Ông Trần Hồng Chuẩn – Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bảng cho hay, những năm gần đây trung bình các xã trên địa bàn huyện mở được hàng chục lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhìn chung việc học gắn với tạo việc làm, hoặc là học các nghề cũ nhưng mục tiêu nâng cao kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho bà con so với trước.
"Các lớp dạy nghề nông nghiệp giúp bà con nông dân tăng cường kỹ thuật, mạnh dạn mở rộng chăn nuôi, trồng trọt theo quy mô lớn, theo hướng hàng hóa. Qua đó nhân rộng các điển hình làm nông nghiệp hiện đại, là điều kiện để tái cơ cấu nền nông nghiệp của địa phương" - ông Chuẩn nói.
Chị Nguyễn Thị Hiền - một trong 25 học viên của lớp may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bảng mở, cho biết trước đây chị chỉ làm nông nghiệp nên cuộc sống khó khăn. Nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương mà chị và các lao động khác được dạy nghề, tạo việc làm cho thu nhập ổn định.
"Sau khi tốt nghiệp khóa học nghề may, tôi được giới thiệu vào làm nghề cho một công ty may của Hàn Quốc đầu tư trên địa bàn. Hiện giờ, với thu nhập trung bình mỗi tháng 4 - 5 triệu đồng, tôi đủ chi phí lo cho các con đi học và để dành một ít để tích lũy", chị Hiền chia sẻ.
Ngoài lớp nghề nông nghiệp công nghệ cao, nghề phi nông nghiệp như thêu ren, may công nghiệp, hoặc dạy nghề sữa chữa xe máy… cũng được chú trọng lựa chọn để mở các lớp đào tạo và được lao động địa phương đón nhận tích cực.
Theo mục tiêu của đề án, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Hà Nam sẽ đào tạo nghề cho 32.000 lao động nông thôn, trong đó 6.500 người sẽ được đào tạo nghề nông nghiệp, 25.500 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Trong năm 2020 này, toàn tỉnh sẽ đào tạo, dạy nghề cho khoảng 5.000 học viên.
Ông Đặng Xuân Hải - Theo Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua.
Nhiều năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được tỉnh Hà Nam quan tâm triển khai. Trên cơ sở điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, các đơn vị, các địa phương đã tập trung triển khai nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
"Thời gian tới, song song với triển khai dạy nghề nông nghiệp, Sở LĐTBXH cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh dạy các ngành nghề dịch vụ phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, từ đó giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh" - ông Hải chia sẻ về kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn.