Nghệ An: Hiệu quả tích cực từ Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:14 - 29/10/2020
Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 07/6/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngày 30/8/2010 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3846/QĐ-UBND về việc "phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nghệ An đến năm 2020" để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, như: Tổ chức Hội nghị triển khai Đề án; Tập huấn điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Ban hành các văn bản như: Quyết định quy định về mức kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Quyết định danh sách các cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ đầu tư; Quyết định danh mục ngành, nghề đào tạo; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án; Kế hoạch đào tạo, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng giai đoạn và hàng năm…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã kịp thời tham mưu các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, bổ sung sửa đổi một số cơ chế chính sách về công tác đào tạo nghề nói chung, đào tạo cho lao động nông thôn nói riêng cho phù hợp, sát với tình hình thực tế của tỉnh và từng địa phương như:
- Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 155-KH/TU ngày 04/9/2014 thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 25/4/2016 tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp, giáo dục và đào tạo nghề học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn đến năm 2020.
- Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND ngày 04/8/2016 về chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 53/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập.
- UBND tỉnh tiếp tục ban hành một số Đề án trọng điểm như: Đào tạo lao động kỹ thuật giai đoạn 2012-2020; Giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2015-2020 và các văn bản như: Quyết định quy định giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo, phân bổ kinh phí; tăng định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo các cấp trình độ; sửa đổi mức thu học phí trong các cơ sở đào tạo giáo dục công lập; Kế hoạch tuyên truyền, phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS và THPT vào học nghề...
Nhờ vậy, qua 10 năm thực hiện Đề án, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 772.863 lượt người, trong đó lao động nông thôn 578.709 người, chiếm 74,87% tổng số lao động được đào tạo và đạt 110% mục tiêu Đề án. Số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo chính sách Quyết định 1956/QĐ-TTg là 82.644 người, gồm: học nghề nông nghiệp 40.158 người, chiếm 48,59%; học nghề phi nông nghiệp 42.486 người, chiếm 51,41%.
Các điều kiện đảm bảo đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được nâng lên trong 10 năm triển khai thực hiện Đề án như:
- Mạng lưới các cơ sở đào tạo đã được củng cố, tăng cường năng lực hoạt động; đến nay tỉnh có 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm: 9 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 22 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Có 41 cơ sở công lập, chiếm 63,08% và 24 cơ sở ngoài công lập, chiếm 36,92%. Và 100 % cơ sở GDNN tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Quy mô tuyển sinh, đạt 90.000 hssv/năm, tăng 23% so với mục tiêu của Đề án; cơ cấu ngành, nghề; trình độ đào tạo cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường sử dụng lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. tổng số nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 2.590 người; trong đó, có 2.136 nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, 1.891 nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm. Đã huy động được 45 nghệ nhân, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao để tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
- Tổng số nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 2.590 người; trong đó, có 2.136 nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, 1.891 nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm. Đã huy động được 45 nghệ nhân, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao để tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Các địa phương đã chủ động bố trí cán bộ kiêm nhiệm quản lý, theo dõi công tác đào tạo nghề nghiệp và 100% cán bộ quản lý đào tạo nghề nghiệp cấp huyện, cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.
- Chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xây dựng theo hình thức niên chế hoặc mô đun; tăng thời gian tự rèn luyện tay nghề và làm việc theo nhóm của học sinh, sinh viên. Mời những nhà giáo có chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm; cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp để tham gia xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo và tham gia hội đồng thi tốt nghiệp. Đã có 268 lượt chương trình được xây dựng, chỉnh sửa, biên soạn lại, gồm: 112 lượt chương trình đào tạo nghề nông nghiệp và 156 lượt chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp. Thời gian, nội dung, chương trình đào tạo của từng nghề cơ bản phù hợp với đặc điểm quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, miền; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất. Nhờ vậy, lao động nông thôn sau học nghề đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí và tăng năng suất cây trồng vật nuôi.
Hình thức đào tạo nghề được tổ chức linh hoạt, đa dạng như: đào tạo chính quy tại cơ sở GDNN, đào tạo lưu động tại các xã, thôn, bản, tại các doanh nghiệp ... đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn tham gia học nghề.
Công tác giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp được các cơ sở GDNN đẩy mạnh và chủ động hơn; gắn kết với doanh nghiệp được thực hiện có hiệu quả; một số trường đã tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm; cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp, gắn với tìm kiếm thị trường lao động; tổ chức bàn giao học sinh, sinh viên cho doanh nghiệp. Giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ có việc làm đạt 72,88%, vượt mục tiêu Đề án; Giai đoạn 2016-2020, đạt 78%, so với mục tiêu Đề án là 80%.
Một số doanh nghiệp đã liên kết với các cơ sở GDNN trong hoạt động đào tạo và tuyển dụng nhiều lao động, như: Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam; Công ty CP Catalan; Công ty CP Sông Đà 4; Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa, Công ty CP Cơ khí ô tô 3/2, Công ty TNHH MLB TENEGY; Tập đoàn Dệt may Hà Nội; Công ty Namsungvina, Khách sạn Mường Thanh, Công ty cổ phần Sài Gòn – Kim Liên, Công ty TNHH New Wing Interconnect technology, Công ty Cổ phần Hồng Hà .... với mức thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Đã chỉ đạo các địa phương tổ chức và nhân rộng 265 lớp đào tạo nghề mô hình cho lao động nông thôn học nghề theo chính sách Quyết định số 1956/QĐ-TTg cho 8.589 LĐNT; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 82%. Một số địa phương đã triển khai các mô hình dạy nghề có hiệu quả như: Yên Thành, với nghề trồng nấm, may công nghiệp; Quỳnh Lưu với nghề mây tre đan, may công nghiệp; Diễn Châu với mô hình may công nghiệp, chế biến nước mắm sạch; Nghĩa Đàn với nghề nuôi ong, nuôi gà, trồng cây ăn quả; Con Cuông với nghề trồng cam, trồng chè, dệt thổ cẩm, ... Điển hình, một số lao động sau khi học nghề đã thành lập trang trại, HTX, CSSX kinh doanh dịch vụ với thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm, như: Ông Ngô Văn Tứ (xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn), mô hình chăn nuôi gà, thu nhập 400 triệu đồng/năm; Bà Nguyễn Thị Vân (xã Châu Quang, Quỳ Hợp), mô hình chăn nuôi lợn, thu nhập 400 triệu đồng/năm; Ông Nguyễn Phùng Khởi (xã Trung Sơn, Đô Lương), mô hình trồng dưa lưới, thu nhập 250 triệu đồng/năm; v.v.
Hiệu quả từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 33% năm 2010 lên 63% năm 2019 (tăng 30%) trong đó, qua đào tạo nghề từ 30% lên 58,1% (tăng 28,1%); góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành: Công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng từ 30,31% năm 2009 lên 49% năm 2019; Nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 69,69% năm 2009 xuống còn 51% năm 2019; nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 3%, GRDP bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng; hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới với 265/431 xã đạt chuẩn, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.