THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:06

Hà Giang vào "mùa" phá rừng đặc dụng (4)

Bài cuối: “Rừng là vốn liếng cho thế hệ mai sau”

Quan tâm đến đời sống nhân dân để bảo vệ rừng

Mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, cũng đã nhận thông tin báo cáo bằng điện thoại từ Ban quản lý rừng đặc dụng Phong Quang và đã chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Ông Tiến chia sẻ: “Đặc điểm khu rừng đặc dụng Phong Quang kéo từ phía cửa khẩu Thanh Thủy cho tới giáp huyện Quản Bạ, khu vực này hết sức hiểm trở, địa hình bên mình cao, bên Trung Quốc thấp, đặc biệt khu vực này hiện nay chưa rà phá hết bom mìn nên rất nguy hiểm cho các chiến sỹ biên phòng, cũng như các đồng chí kiểm lâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.

“Đây là điểm tỉnh đặc biệt quan tâm, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và tôi đã đi vào hiện trường nhiều lần, và đã giao cho huyện, chi cục kiểm lâm, ủy ban xã, rất nhiều biện pháp để khắc phục vì đây là điểm nóng chung, tuy nhiên đường biên giới rộng, trước đây giao cho huyện Vị Xuyên thành lập các tổ công tác liên ngành chốt chặt trong rừng nhiều năm và giao cho Chi cục Kiểm lâm xây dựng phương án riêng cho rừng đặc dụng này và thực hiện phương án” – ông Tiến cho biết thêm.

Về việc chăm lo đời sống cho bà con nhân dân sinh sống trong vùng lõi rừng đặc dụng, vị phó Chủ tịch phụ trách nông – lâm của tỉnh cho biết: “Mới đây nhất tỉnh xây dựng một con đường bê tông vào các bản vùng lõi, con đường thì tốt cho bà con, tuy nhiên cũng có tác động ngược gây sự chú ý cho một số đối tượng khai thác gỗ trái phép”.

“Đời sống của dân trong vùng lõi tỉnh xác định là quan trọng nhất, vì không phải một hai thôn mà rất nhiều thôn sống rải rác, tỉnh đã xin đưa được một số hộ dân ra khỏi vùng lõi đến khu vực xã Phong Quang, chứ không thể di chuyển được hết mà ngược lại cần dựa vào dân để giữ rừng, bảo vệ biên giới, đã giao cho huyện vị Xuyên xây dựng phương án nâng cao đời sống cho bà con, thông qua khoán bảo vệ rừng và cho vay vốn chính sách hỗ trợ lãi suất bà con chăn nuôi nhằm nâng cao đời sống bà con để bà con bám rừng và giữ rừng cho tỉnh” – ông Tiến cho biết thêm.

Phải đặc biệt quan tâm đến rừng

Để đảm bảo tốt công tác bảo vệ rừng, năm 2014 tỉnh Hà Giang đã ra kế hoạch tăng cường quản lý lâm sản, trong đó có rất nhiều giải pháp trong đó có giải pháp quản lý cưa xăng, rất nhiều xã, thôn đã quản lý cưa xăng tập trung và đã làm được ở một số nơi. Trước đó, từ năm 2011 tỉnh Hà Giang đã cấm việc tận thu gỗ khai thác trái phép và cây đổ do mưa bão, và yêu cầu cần giữ nguyên hiện trường, không gây mất rừng.

Đời sống của bà con thuộc vùng lõi rừng đặc dung Phong Quang đang gặp nhiều khó khăn

Lý giải về sự quan trong của rừng đem lại, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho hay, vì Hà Giang tỉnh phía bắc, có Công viên địa chất toàn cầu, nên bảo vệ môi trường và thiên nhiên tỉnh cực kỳ  quan tâm bảo vệ vì là vốn liếng để cho các thế hệ mai sau,  nên rất cấp thiết cần bảo vệ.

Xác định chỉ có rừng đặc dụng còn chất lượng rừng tốt nên tỉnh Hà Giang tập trung đầu tư, bảo vệ loại rừng này. “Chúng tôi tập trung bảo vệ các khu vực rừng đặc dụng, vì chỉ ở đây mới còn rừng quý, ban đầu tập trung công tác dân vận, giao rừng hết cho bà con, giải pháp về những cây gỗ quý tức là giao cho các nghệ nhân dân gian, dùng biện pháp cúng bái, thờ ở những cây gỗ quý, trong tương lai sẽ đánh số, đeo biển cho những cây gỗ quý. Mình sẽ cố gắng làm, những cây đó rất lớn, còn những khu rừng cụm rừng thì xây dựng thành khu” – Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang cho biết.

Ông Bùi Văn Đông, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang cho biết:”Trong thời gian tới, trách nhiệm của hạt phải tham mưu cho cấp trên, chúng tôi đã phối hợp với nhiều cơ quan khác tuyên truyền cho bà con và họ đến nghe rất đông, nhưng những người phá họ lại không đến. Thêm nữa, tỉnh đã tuyên dương những người phát hiện và tố cáo các đối tượng vi phạm thì thưởng nóng, đề xuất Sở NN&PTNT và UBND huyện khen đột xuất, việc này chúng tôi đã thực hiện. Cái khó ở chỗ là chúng tôi muốn giao rừng cho dân nhưng dân sợ vì tiền nhận được rất ít.

Kinh tế của người dân sống dựa vào rừng và trồng cấy là chủ yếu

Hoàng Đình Tưởng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh