CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:14

Người đứng đầu lĩnh vực nông nghiệp của EU sang Việt Nam tìm kiếm các cơ hội kinh doanh

 

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định tự do thương mại song phương và dự kiến sẽ sớm ký kết trong thời gian tới. 

Cùng đi với Cao ủy Hogan là một đoàn DN gồm 42 đại diện các công ty thực phẩm và đồ uống Châu Âu đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại thị trường khu vực và Việt Nam.

Quang cảnh họp báo về chuyến thăm của ông Phil Hogan, Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của EU 

 

Các DN này đến từ nhiều quốc gia khác nhau thuộc Liên minh châu Âu, bao gồm Bỉ, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Đức, Hungary, Ireland, Italia, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Đoàn DN sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống đa dạng, từ rau quả tươi cho tới thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, sữa, các sản phẩm từ sữa, các loại rượu vang và rượu mạnh.

Theo lịch trình, trong chuyến công tác tại Hà Nội, Cao ủy Hogan cùng đoàn DN đã tham dự hội thảo về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (FTA) hôm nay 3/11, nơi các chủ đề về an toàn thực phẩm, đầu tư, phân phối, việc cấp phép cho các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng như những cơ hội kinh doanh rộng lớn hơn sẽ được thảo luận. 

Đoàn cũng tới thăm các hệ thống bán lẻ của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để có được cái nhìn sâu sắc hơn về thị trường Việt Nam.

“Việt Nam được coi là nước trung gian để phân phối hàng hóa châu Âu vào các nước khác trong khu vực. Mặt khác, Việt Nam có thể sử dụng châu Âu làm bàn đạp để bổ sung chuỗi sản phẩm vào thang sản xuất của mình. EU sẵn sàng chia sẻ mô hình nông nghiệp hiện đại để Việt Nam tham khảo, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc thực thi EVFTA", đại diện EU cho hay.

Kim ngạch thương mại Việt Nam – EU đạt trên 38,4 tỷ euro năm 2015, trong đó Việt Nam xuất sang EU 29,9 tỷ euro. Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 21 trong danh sách các đối tác thương mại của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, đàm phán FTA về nông sản là khó khăn nhất trong các phiên đàm phán do nó liên quan rất nhiều đến đời sống người dân. Tuy nhiên FTA giữa Việt Nam và EU chủ yếu mang tính bổ trợ cho nhau, do đó Việt Nam sẽ hưởng nhiều lợi ích khi FTA này có hiệu lực.

Theo lịch trình, tại TPHồ Chí Minh, Cao ủy Hogan cùng đoàn DN sẽ tham dự một hội thảo có nội dung tập trung về các khái niệm chất lượng thực phẩm như Chỉ dẫn Địa lý (GIs) và các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, một diễn đàn kinh doanh sẽ được tổ chức giúp trang bị cho đoàn DN có những thông tin cần thiết để tiếp cận thị trường, các quy định và luật pháp trong nước cũng như xu hướng tiêu dùng và khẩu vị đối với thực phẩm chất lượng cao của khách hàng Việt Nam.

Bên lề các sự kiện này là những cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, nơi các nhà sản xuất đến từ Châu Âu cùng các nhà xuất khẩu, phân phối và bán lẻ Việt Nam thảo luận về các thỏa thuận kinh doanh.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh