THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:16

Giúp trẻ hiểu thế nào là an toàn và thế nào là bị xâm hại

 

Với phương châm: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tác giả Nguyễn Hương Linh viết cuốn sách Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em để trẻ em biết thế nào là an toàn, thể nào là bị xâm hại để tự bảo vệ bản thân. Cuốn sách cung cấp 15 bí quyết cụ thể giúp trẻ phòng tránh xâm hại, phòng tránh bạo lực học đường, phòng tránh bắt cóc, an toàn khi ra ngoài và an toàn khi ở nhà một mình.

 

Cuốn sách Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em

Trước khi vào nội dung chính, phần mở đầu đưa ra những khái niệm dễ hiểu về an toàn, thế nào là bị xâm hại và nhận diện các tình huống bị làm tổn thương. Thông thường, trẻ nhỏ hay nghe nói tới người xấu, và thường hình dung đến những kẻ như “ngáo ộp” thật đáng sợ, dữ tợn, đôi khi bất thình lình nhảy ra từ bụi rậm để xâm hại, dọa dẫm, bắt cóc trẻ em… Người lớn cũng thường cảnh báo trẻ con nên cẩn thận với người lạ, nhưng người xấu làm tổn thương trẻ em có thể là những người quen. Tác giả sách cho rằng, điều quan trọng không phải dạy trẻ em cách nhận diện “người xấu trông ra sao”, mà nên dạy cho trẻ “những tình huống nguy hiểm thường diễn ra như thế nào”. Bởi vậy, cuốn sách đưa ra những tình huống, các bí quyết để trẻ nhận biết tình thế nguy hiểm và cách bảo vệ mình.

Đi từ những khái niệm chung, kiến thức cơ bản đến tình huống cụ thể, đầu tiên, sách giúp trẻ nhận diện về tầm quan trọng của bảo vệ thân thể. Để an toàn khi ở bất kỳ nơi đâu, tác giả hướng dẫn trẻ nhận biết mình là người chủ cơ thể mình. “Cơ thể của tớ rất đặc biệt, không ai có một cơ thể giống tớ”, vì thế “người chủ cơ thể được quyền quyết định sẽ làm gì với cơ thể của mình. Đó cũng là người chăm sóc, bảo vệ và yêu thương cơ thể của chính mình”.

Cuốn sách chỉ ra cách phân biệt những động chạm an toàn và động chạm không an toàn; những “cái bẫy” mà người xấu có thể đưa ra để dụ trẻ, hòng xâm hại trẻ; các tình huống trẻ nên nói “không” khi có nguy cơ bị xâm hại. Một trong những cách xử lý của trẻ khi bị xâm hại hoặc chứng kiến cảnh bị xâm hại là giữ im lặng, đôi khi trẻ bị người xấu bắt phải giữ “bí mật” về việc làm xấu xa của họ. Việc trẻ quyết định nói ra những bí mật xấu này với người lớn sẽ giúp phát giác, để các hành động xâm phạm đó không còn tiếp diễn.

Cuốn sách còn đưa ra những bí quyết giúp trẻ an toàn trong những không gian cụ thể như ở nơi công cộng, ở trường học, ở nhà. Đó là lời khuyên trẻ nhớ thông tin về mình và gia đình, bình tĩnh khi đi lạc, luôn xin ý kiến người thân, lên tiếng khi bị bắt nạt…

Với giọng văn gần gũi, có phần dí dỏm, cuốn sách tạo sự thân thiện với trẻ em. Cách xưng hô “tớ” khiến độc giả là trẻ em cảm thấy nội dung trong sách được chuyển tải như cách một người bạn đang trò chuyện, “mách nước” cho nhau những bí quyết để xử lý tình huống trong cuộc sống.

Tác giả có sự sáng tạo trong việc diễn đạt những tình huống nhạy cảm. Ví dụ, khi nói về những vùng riêng tư cần đặc biệt bảo vệ, tác giả gọi đó là “vùng đồ bơi” và giải thích: “Những vùng này của bạn trai và bạn gái không giống nhau hoàn toàn. Khi mặc đồ bơi, những vùng nào trên cơ thể được che phủ bởi đồ bơi thì đó chính là vùng riêng tư. Ngoài ra miệng cũng là vùng riêng tư của tớ”.

Sau khi giải thích về vùng riêng tư, sách đưa lời khuyên: “Tớ không muốn bất cứ ai nhìn, động chạm hoặc quấy rầy những vùng này mà không có lý do chính đáng”.

Trong 64 trang sách, bên cạnh những lời lẽ gần gũi là các hình ảnh minh họa được in màu sống động. Tranh vẽ tươi vui, màu sắc rực rỡ không chỉ giúp trẻ dễ tiếp nhận kiến thức, mà còn khuyến khích trẻ chủ động xử lý những rắc rối.

Sau mỗi phần nội dung, sách còn đưa ra một trang giấy để trẻ viết ra những nội dung vừa nhận được. Đó là cách kiểm tra, giúp trẻ viết ra kiến thức mình “thu hoạch” được về việc giữ an toàn cho bản thân.

ĐÀO THỌ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh