THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:12

Khởi động dự án vì quyền học tập của trẻ em gái

 

Dự án “Chúng ta có thể” hướng tới cuộc sống và giáo dục tốt hơn, một sáng kiến mới của UNESCO nhằm nâng cao tiếng nói của trẻ em và phụ nữ dân tộc thiểu số ở nước ta.

Ảnh minh họa.

 

Cùng với các đối tác chiến lược là Bộ Giáo dục - Đào tạo và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), sáng kiến “Chúng ta có thể” của UNESCO kéo dài ba năm, do Quỹ Malala UNESCO vì quyền học tập của trẻ em gái cấp vốn, với sự hỗ trợ tài chính từ tập đoàn CJ. Dự án hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục và hoàn thành việc học tập của trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái cấp trung học cơ sở (THCS), và tăng cường cơ hội có việc làm của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số.

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra nhấn mạnh, các báo cáo đã chỉ ra rằng, trẻ em dân tộc thiểu số gặp hạn chế về khả năng tiếp cận giáo dục. Tỷ lệ trẻ em không đến trường ở độ tuổi tiểu học và THCS trong nhóm trẻ dân tộc Kinh lần lượt là 2% và 6%, trong khi tỷ lệ này trong nhóm trẻ em các dân tộc thiểu số lần lượt là 10% và 25%. Khoảng cách giới trong tỷ lệ trẻ em không đến trường là nhỏ trên bình diện quốc gia. Tuy nhiên, khi xem xét đến các nhóm dân tộc thiểu số, trẻ em gái đến trường có xu hướng ít hơn số trẻ em trai.

Tiếp nối thành công của dự án “Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam”, UNESCO sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp bảo đảm quyền tiếp cập bình đẳng nền giáo dục có chất lượng và cơ hội việc làm trong một môi trường an toàn, thân thiện, không bạo lực và lạm dụng.

Được xây dựng trên cơ sở tham vấn Bộ Giáo dục - Đào tạo và Ủy ban Dân tộc, dự án sẽ góp phần triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch hành động thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 4 và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

Với phương châm “Hướng tới mức sống và giáo dục tốt hơn”, dự án nhằm mục tiêu thu hút sự tham gia của 16 nghìn người. Đó là các học sinh, giáo viên, hiệu trưởng các trường dân tộc thiểu số, cán bộ giáo dục, phụ huynh học sinh và các thành viên khác trong cộng đồng tại ba tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng. Trong đó, có 9.000 phụ nữ với 6.000 trẻ em gái trong độ tuổi từ 11 đến 14 thuộc 48 trường phổ thông dân tộc của địa bàn dự án.

Bà Heekyung Jo Min, Phó Giám đốc chương trình CSV toàn cầu, Tập đoàn CJ, mong muốn, dự án này sẽ giúp trẻ em gái dân tộc thiểu số trở thành những công dân được trân trọng trong xã hội Việt Nam; có năng lực, kỹ năng và lòng tự tôn cần thiết.

Dự án tập trung vào bốn lĩnh vực chính. Trước hết là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục cho trẻ em gái bằng cách tạo điều kiện cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, thể hiện tác động tích cực của giáo dục đới với cuộc sống của các em cũng như của gia đình và cộng đồng.

Tiếp đó, xây dựng một môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh, thông qua nâng cao nhận thức về bạo lực học đường trên cơ sở giới, củng cố năng lực giáo viên về tư vấn học đường có đáp ứng giới.

Bên cạnh đó, tăng cường cơ hội có việc làm của trẻ em gái và phụ nữ thông qua các chương trình định hướng nghề nghiệp có mục tiêu, các chương trình tập huấn về hoạt động tạo ra thu nhập và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường lao động.

Cuối cùng là, hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số vượt qua định kiến và nâng cao nhận thức của các em với bạn bè đồng lứa.

VÂN KHÁNH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh