THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:36

Giống tiêu trôi nổi làm "loạn" thị trường, hệ lụy nông dân gánh chịu

 

Bán dây tiêu giống như bán rau muống

Mùa này ở Tây Nguyên, việc trồng mới hồ tiêu đã đi vào cuối vụ, người mua thưa thớt. Thế nhưng, người dân vẫn cứ bàn tán xôn xao rằng tiêu năm nay xuống giá, giá con giống cũng theo đó hạ nhiệt, giống tiêu Vĩnh Linh hay Lộc Ninh chỉ còn dao động 7- 8 ngàn đồng một dây, quá rẻ cho việc chọn giống xuống đồng. Nếu tiêu chết thì cũng không lỗ bao nhiêu. Vì nhu cầu người dân về giống tiêu lớn nên trên mọi ngả đường đã “mọc” lên rất nhiều điểm bán giống tiêu di động, tự phát. Những giống tiêu trôi nổi, không có nguồn gốc được bày bán công khai, người dân chỉ dựa vào kinh nghiệm và lời quảng cáo để chọn giống an toàn.

Dọc theo Quốc lộ 14, từ các huyện tỉnh Đắk Lắk về đến “thủ phủ” tiêu Chư Sê (Gia Lai), không khó để bắt gặp những “chợ” tiêu giống “di động” được bày bán công khai trên trục đường. Khi hỏi thăm về các loại giống, người bán dễ dàng giới thiệu cho khách hàng hàng loạt cây giống các loại từ “nội địa” với giá từ 3.000 đồng – 15.000 đồng/1dây. Những giống “ngoại nhập” có giá từ 30.000 đồng – 60.000 đồng/1 dây. Khi bắt đầu những trận mưa rào là những người dân lại đổ xô đi mua giống tiêu về trồng. Cũng vì vậy mà trên mọi ngả đường các loại giống tiêu nội địa như Vĩnh Linh, Lộc Ninh hay một số giống được cho là “ngoại nhập” như tiêu Ấn Độ, Srilanka, Malaysia được bày bán công khai. Nhưng khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì lại không có nguồn gốc rõ ràng mà chỉ là nguồn giống trôi nổi từ các địa phương khác về.

 

Cây tiêu bị cắt ở thôn Hiệp Đoàn, Quảng Hiệp, Cư M’gar, Đắk Lắk

Trong vai một người đi mua tiêu, chúng tôi tiếp cận với Nguyễn Hoàng Sơn (35 tuổi, trú Bù Đăng, Bình Phước), chúng tôi bước đầu cảm thấy an tâm hơn khi thương lái này nói rằng mình có kinh nghiệm 5 năm buôn bán giống và đã 10 năm trồng trọt các loại giống nhằm thử nghiệm chất lượng với hơn 2500 trụ đã cho thu hoạch. Theo anh Sơn cho biết: “Giống tiêu được bán chủ yếu là Vĩnh Linh, Lộc Ninh và một ít giống tiêu ngoại Srilanka…được nhập về từ Campuchia thông qua cửa khẩu Hoa Lư. Nguồn giống năm nay khá dồi dào, giá cả lại rẻ. Những ngày cao điểm tôi có thể bán được 2000 – 3000 dây tiêu giống các loại.” Nhưng khi hỏi để giấy chứng nhận giống tiêu đảm bảo thì anh lắc đầu, “Các anh nhìn tiêu to khỏe vậy là biết giống tiêu tốt rồi, chứ nguồn giống tiêu chuẩn biết đâu mà tìm…”, anh Sơn nói.

Cũng như anh Sơn, anh Cường (một thương lái bán tiêu giống tại Thị trấn Chư Sê) cho biết, giống tiêu được nhập từ tỉnh Bình Phước. Anh đã nhờ 1 người bà con ở Bình Phước tuyển chọn các dây tiêu từ các vườn tiêu trên địa bàn rồi cắt, gửi về Chư Sê bằng xe đò cho anh bán. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc, chứng nhận giống tiêu đạt đảm bảo chất lượng thì anh Cường xác nhận giống tiêu trên cắt tại một số hộ dân trong xã ở Bình Phước, chứ không nói đến việc xác định giống tiêu đảm bảo chất lượng. Anh Cường cho biết thêm: “Hằng ngày gia đình anh nhập khoảng 3000 dây tiêu các loại. Hiện nay tiêu đang rớt giá nên kéo theo giống tiêu cũng thế mà giảm đi hơn nữa giá. Nhưng không vì vậy mà sức mua của người dân lại giảm.”

Tiêu giống được bày bán trên đường phố Gia Lai

Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê cho biết: “Vừa qua đoàn liên ngành đã phối hợp đi kiểm tra các điểm bán giống tiêu trên địa bàn. Theo đó có 17 cơ sở thì có 4 cơ sở không có giấy phép. Việc mua, bán giống tiêu là do nhu cầu của thị trường nên không cấm được. Tuy nhiên, về nguồn gốc của cây giống thì phần lớn cũng chưa được xác định rõ ràng vì thực ra giống tiêu không chỉ được lấy từ Bình Phước, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông. Cũng vì chưa có bộ giống nào “chuẩn” nên cũng không biết dựa vào đâu để căn cứ giống an toàn”.

Hệ lụy người dân gánh chịu

Việc người dân Tây Nguyên ồ ạt mở rộng diện tích trồng cây hồ tiêu, phát triển ồ ạt tạo ra một số nỗi lo về tình trạng thừa cung thiếu cầu. Đồng thời xãy ra một số vấn nạn, điển hình ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Ông Hà Di Đô trưởng thôn Hiệp Đoàn xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk xác nhận: “Mấy năm trở lại đây tình trạng cắt trộm tiêu ở địa phương thường xuyên đã xảy ra, như cắt tỉa dây mang đi bán hoặc mang về làm giống”. Thông thường, mỗi trụ tiêu từ lúc xuống giống đến khi cho thu hoạch mất 3 năm. Cộng hết tiền công chăm sóc,  giống, trụ, phân bón, trung bình mỗi trụ tiêu tốn từ 5- 7 triệu đồng.

Trong nhiều năm nay người dân Tây Nguyên điêu đứng vì cây tiêu. Hiện tượng tiêu chết dần, chết trắng vườn đã xảy ra hàng loạt ở các huyện, xã trên địa bàn trồng tiêu. Ngay sau đó các ngành chức năng đã tiến hành vào cuộc để tìm ra nguyên nhân khiến tiêu chết trắng và tìm thuốc đặc trị nhưng bao giờ thiệt hại người dân cũng gánh chịu không nhỏ. Trong khi đó, người dân vẫn tự mình đi mua những nguồn giống trôi nổi để về trồng.

Ông Nguyễn Văn Hợp cho biết: “Chư Sê được coi là “thủ phủ” của ngành tiêu. Nhưng vài năm trở lại đây bà con trồng tiêu trên địa bàn cũng như các huyện lân cận phải chịu thiệt hại nặng do tiêu chết dần và tiêu rớt giá. Nếu chọn giống không đảm bảo, sâu bệnh thì sẽ hư cả một vùng nguyên liệu. Vì vậy, phòng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo nhằm giúp bà con chọn giống và chăm sóc dây tiêu sạch”. 

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Tiêu Chư Sê - ông  Nguyễn Đức Trọng cho biết: Không như xưa “Nhất nước, Nhì phân, Tam cần, Tứ giống”.  Nay giống phải ưu tiên hàng đầu để tạo ra một nguồn nguyên liệu đảm bảo. Việc cho ra một loại giống an toàn, đảm bảo sẽ giúp cho người dân phát triển kinh tế bền vững. Nhưng một số người trồng tiêu chỉ trồng với mục đích là để cắt giống bán. Cây tiêu vừa mới được một năm chưa phát triển hoàn thiện đã vội cắt dây đi bán kiếm lợi nhuận”. 

Vườn tiêu xanh tốt có nhiều cây đã bị cắt trụi cành

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Ngọc-Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: “Hiện chưa có bộ tiêu chuẩn về giống, nên dù tiêu giống bán tràn lan trên đường nhưng cơ quan chức năng không làm gì được. Vì vậy cũng khuyến cáo bà con mua tiêu nên mua tại các vườn ươm có uy tín của nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Hoặc nên đến tận vườn để kiểm tra, tránh rủi ro mua phải giống tiêu bệnh, kém chất lượng”.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh