THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:43

Giới trẻ lên tiếng và chia sẻ quan điểm về đổi mới giáo dục

Bà Astrid Bant, Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.


Cuộc đối thoại chính sách này là một phần trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Thanh niên 12/8/2019, do Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.

Với chủ đề “Đổi mới Giáo dục”, Ngày Quốc tế Thanh niên năm nay nhấn mạnh những nỗ lực cần phải có giúp giáo dục trở nên thực tế hơn, công bằng hơn và dễ tiếp cận hơn đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là những hoạt động được thiết kế và thực hiện cùng với thanh niên.

Bắt nguồn từ Mục tiêu thứ 4 của Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững – để “đảm bảo giáo dục chất lượng, công bằng và dễ dàng tiếp cận cũng như thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”, Ngày Quốc tế Thanh niên 2019 đề cập tới các cách thức mà các Chính phủ, thanh niên, các tổ chức do thanh niên lãnh đạo và các tổ chức làm việc vì thanh niên đang thực hiện để đổi mới giáo dục, đưa giáo dục trở thành một công cụ mạnh mẽ, giúp chúng ta đạt được Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững.

 

Các bạn trẻ chia sẻ quan điểm về giáo dục.

 

Anh Sùng Văn Thắng, đại diện thanh niên từ thị trấn Đồng Văn, Hà Giang cho biết: “Đây là một cơ hội đặc biệt để chúng tôi tham gia và đóng góp ý tưởng của mình về Đổi mới giáo dục. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 và những người trẻ tuổi có nhiều cách để truy cập vào thông tin trên internet. Hệ thống giáo dục cần phải trang bị cho chúng tôi các công cụ và kỹ năng phù hợp để có thể thích ứng với một thế giới hiện đại luôn thay đổi như hiện nay. Đổi mới giáo dục nên giúp chúng ta có quyền truy cập và tự do lựa chọn các nền tảng giáo dục mà chúng ta cần”.

Cùng với 60 bạn trẻ từ các nhóm khác nhau, anh Thắng tham gia tập huấn nâng cao năng lực cho chính các bạn trẻ tự thiết kế và điều hành trong hai ngày trước sự kiện để trau dồi kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng lắng nghe và tư duy phản biện. Các bạn trẻ cũng thảo luận về những thách thức mà họ đang phải đối mặt trong giáo dục và đưa ra những gợi ý và khuyến nghị về một số điều chỉnh trong giáo dục giúp xây dựng thế giới mà các bạn trẻ mong muốn trong tương lai.

Việt Nam đang trải qua thời kỳ cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ người trẻ tuổi cao nhất trong lịch sử. Thời kỳ này là một cơ hội duy nhất cho Việt Nam để xây dựng tốt kế hoạch cho thời kỳ chuyển đổi và tạo điều kiện cho thế hệ lãnh đạo trẻ đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế, môi trường và xã hội và của đất nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên ở thị trấn Đồng Văn, ông Đào Quang Diệu, Quyền Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang cho biết: “Có hơn 200.000 thanh niên ở tỉnh Hà Giang, chiếm khoảng 24% tổng dân số của tỉnh. Hiện nay, tình trạng giáo dục và các kỹ năng chuyên môn khác của thanh niên Hà Giang đã được cải thiện đáng kể. Mục đích này hướng tới sự hình thành của một lớp thanh niên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có tư duy kinh tế, có khả năng nắm bắt cơ hội trong tình hình mới vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng cho bản thân, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang”.

Bà Astrid Bant, Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện:  “Mục đích chính của việc tham gia của các bạn trẻ là để trao quyền cho họ với tư cách cá nhân và thành viên của xã hội, để các bạn có thể hoàn thành vai trò của mình trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình và chính sách giáo dục cũng như đầu tư cho thanh niên. Thanh niên năng động, sáng tạo và có kỹ năng và kiến thức hết sức cần thiết để giúp đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững và thực hiện tốt cam kết Để không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đầu tư vào giáo dục là chìa khóa để thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, bình đẳng giới và làm việc tốt. Nhân Ngày Quốc tế Thanh niên, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Ủy ban Nhân dân Hà Giang và Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh kêu gọi tăng cường đầu tư vào giáo dục cho thanh thiếu niên, đặc biệt nhóm thanh thiếu niên dễ bị tổn thương và thiệt thòi, bao gồm thanh niên dân tộc thiểu số và thanh niên khuyết tật để tăng cường sự công bằng trong cơ hội và thúc đẩy sự tham gia trong tất cả các khu vực khác.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh