Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng
- Bài thuốc hay
- 23:47 - 06/08/2019
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng
Năm 1986, theo tiếng gọi của tổ quốc, anh Khánh rời xa quê mẹ lên đường nhập ngũ. Là lính Trường kỹ thuật Công binh, anh được điều động sang mặt trận 479 - Campuchia, chiến tranh khốc liệt đã mang đi vĩnh viễn một phần sức khỏe của đời anh - anh trở thành thương binh 4/4. Tháng 9/1989, quân đội tình nguyện Việt Nam được lệnh rút quân khỏi chiến trường Campuchia, thương binh Lê Đình Khánh về quê hương.
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không ngại gian khó, thương binh Lê Đình Khánh bắt đầu tham gia nghề cổ truyền đá mỹ nghệ, đá xây dựng. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, sau gần ba năm làm thợ đá, anh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và tích cóp được số vốn nho nhỏ. Được sự ủng hộ của gia đình, giúp đỡ của bạn bè, năm 1991 anh quyết định mở cơ sở chế biến đá ốp lát ngay tại địa phương.
Thương binh Lê Đình Khánh chỉ đạo công nhân đưa sản phẩm vào đóng thùng đưa xuất khẩu.
Cơ sở chế biến đá ốp lát Khánh Thành ra đời, anh đã tạo việc làm cho gần 40 lao động nông nhàn địa phương, thời điểm đó cho thu nhập trên 1,3 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở Khánh Thành hoạt động ngày càng hiệu quả, đời sống của người lao động cũng được anh quan tâm khuyến khích kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần; các chế độ, quyền lợi của người lao động như: bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Sản phẩm đá mang thương hiệu Khánh Thành ngày càng được đối tác đánh giá cao, tạo được vị thế trên thương trường, được đông đảo người tiêu dùng, từ cá nhân, đến các doanh nghệp xây dựng trên địa bàn tỉnh tin dùng.
"Tiếng lành đồn xa", thương hiệu Khánh Thành không chỉ cung cấp ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mà còn vươn xa ra các tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Nghệ An, Hà Nam... Doanh thu năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận thu được anh quay sang đầu tư thêm máy móc thiết bị. Sau gần mười năm hoạt động, cơ sở Khánh Thành đã phát triển mạnh. Năm 2001, với tham vọng đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, anh quyết định, đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại và thành lập doanh nghiệp Khánh Thành, thương binh Lê Đình Khánh đã trở thành ông chủ doanh nghiệp với cơ ngơi cả trăm tỷ đồng.
Tạo việc làm cho nhiều con, em đồng đội
Có tài lực trong tay, thương binh Lê Đình Khánh đã mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc hiện đại có giá trị hàng chục tỷ đồng, sản phẩm của doanh nghiệp Khánh Thành đã được nhiều công trình tôn tạo di tích lịch sử đặt mua, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Hà Lan, Bỉ, Đức, Mỹ… Nhiều hợp đồng hàng trăm ngàn USD đã được ký kết, số lao động từ 40, tăng lên trên 120 người, cho thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng.
Công nhân bộ phận mài đang thực hiện công đoạn vệ sinh, đánh bóng mặt đá.
Trong số 120 lao động có tới 35 lao động là con em đồng đội được anh nhận vào giúp đỡ làm việc ổn định. Đến nay, nhà xưởng sản xuất của doanh nghiệp Khánh Thành mở rộng trên 2,5ha, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Năm 2009, doanh thu của doanh nghiệp Khánh Thành đạt 30 tỷ đồng; từ đầu năm 2010 doanh thu đạt 35 tỷ đồng, đến nay doanh thu gần 100 tỷ đồng. Chị Lê Thị Liễu, lao động tại bộ phận mài đánh bóng mặt đá cho biết: “Tôi vào làm việc đã hơn 10 năm rồi, thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng. Công việc ổn định, mọi chế độ đầy đủ, chú Khánh lại đối xử rất tốt với mọi lao động ở đây. Chúng tôi lúc nào cũng cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình để không phụ long chú đã giúp đỡ chúng tôi đến ngày hôm nay. Bên kia là em Hoàng Văn Hùng đang hoàn thiện lô hàng đá để chuẩn bị xuất xưởng tâm sự: “Em vào làm việc được hơn 3 năm nay, thu nhập rất khá, trước đây bố em đi bộ đội cùng bác Khánh ở Campuchia, hôm bác Khánh đến nhà chơi thăm bố em, thấy em chưa có việc làm thế là bác bảo ngày mai xuống bác bố trí việc ngay. Gia đình em vui lắm, em không bao giờ quên ơn bác Khánh, cố gắng làm việc thật tốt để bác vui…”
Không chỉ tạo việc làm cho lao động nông nhàn trên địa bàn; lao động là con em đồng đội, cho thu nhập ổn định, thương binh Lê Đình Khánh còn thường xuyên tham gia hoạt động từ thiện xã hội, góp cùng chính quyền địa phương xây dựng nhiều ngôi nhà tình nghĩa cho các đối tượng là người có công với cách mạng; gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn; làm đường giao thông địa phương; tham gia phong trào xây dựng quỹ phòng chống lụt bão; quỹ vì người nghèo… trên 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Khánh Thành luôn thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với Nhà nước, hàng năm đóng góp hàng trăm triệu đồng. Nhiều thời điểm do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng đã gây ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động sản suất kinh doanh của doanh nghiệp, anh đã chấp nhận hạ giá thành đầu ra để tiêu thụ sản phẩm mà không thu lợi nhuận, nhằm duy trì việc làm cho trên 120 lao động. Đó là sự cố gắng, sự “hy sinh” vì con em đồng đội, vì người lao động địa phương.
Công nhân bộ phận mài đang thực hiện công đoạn vệ sinh, đánh bóng mặt đá.
Tâm sự với phóng viên LĐ&XH, doanh nhân, thương binh Lê Đình Khánh chia sẻ: “Bản thân tôi trước đây cũng là người nghèo, xuất thân từ hai bàn tay trắng nên tôi rất hiểu, cảm thông với người lao động khi gặp khó khăn. Giúp đỡ họ có việc làm là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp chúng tôi. Đối với con em của đồng đội, tôi luôn sẳn sàng tiếp nhận và tạo mọi điều kiện để các cháu có việc làm mang lại thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Đây cũng là trách nhiệm của tôi đối với những người đồng đội đã cùng tôi vượt qua cõi sinh tử trong chiến tranh trở về.
Trong thời gian tới, ngoài mục tiêu nâng cao đời sống cho người lao động đang hoạt động tích cực tại doanh nghiệp, tôi sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, để phần nào giúp đỡ người nghèo vơi bớt khó khăn, giúp đỡ đồng đội vươn lên trong cuộc sống”. Trong thời gian tới, doanh nghiệp Khánh Thành sẽ tiếp tục mở rộng qui mô sản xuất, đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài - thương binh Lê Đình Khánh cho biết thêm.
Trước những đóng góp của doanh nhân, thương binh Lê Đình Khánh, ông Nguyễn Bá Bình, Chủ tịch UBND xã Đông Hưng khẳng định: “Nhiều năm qua, thương binh Lê Đình Khánh là tấm gương tiêu biểu của xã về làm kinh tế giỏi trên địa bàn. Anh đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông nhàn trên địa bàn, cho thu nhập ổn định, góp phần tích cực giúp người nghèo trên địa bàn có cơ hôi vươn lên thoát nghèo bền vững. Không những thế, anh còn tích cực tham gia đóng góp các hoạt động từ thiện xã hội; hưởng ứng nhiều phong trào như xây dựng nhà tình nghĩa và các hoạt động khác của địa phương. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương, sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Khánh Thành phát triển và tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho địa phương”.