THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:23

Giáo viên phân tích vì sao 81% thí sinh tại TP.HCM được dưới 5 điểm môn Lịch sử?

 

Năm nay, TP.HCM có gần 81% thí sinh dưới 5 điểm môn Sử.


Thông tin từ VTC News cho biết, theo thống kê điểm thi của Sở GD&ĐT TP.HCM công bố ngày 9/7, điểm thi môn Lịch sử có tới 80,9% thí sinh đạt dưới 5 điểm, chỉ có một thí sinh đạt đạt 9,75 và không có điểm 10.

Đây là môn thi trắc nghiệm có điểm thấp nhất trong 4 bài thi Toán, tiếng Anh, tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Đề thi quá dàn trải

Là người nhiều năm đứng lớp giảng dạy, cô N.T.L giáo viên luyện thi THPT Quốc gia môn Lịch sử tại quận Bình Tân, TP.HCM phân tích:

"Thứ nhất, do học sinh phải nắm phạm vi kiến thức môn Lịch sử rộng, bao gồm cả chương trình lớp 12 và 11 hiện hành. Thứ hai, mặc dù phạm vi kiến thức rộng nhưng đề thi dàn trải, không đánh nhiều vào trọng tâm.

Thứ ba, đề mang tính phân hoá cao, phần nhận biết và thông hiểu ít điểm trong khi các câu hỏi mang tính lập luận, phân tích, đánh giá lại nhiều".

Hơn nữa, cô L. cho rằng dẫu học sinh có thuộc Sử thì cũng chỉ nắm được lượng kiến thức giáo khoa chứ chưa thể đánh giá vấn đề một cách sâu sắc.

Bên cạnh đó, nội dung trong sách giáo khoa chỉ thiên về trình bày kiến thức, còn nhận định vấn đề thì chưa nhiều.

Ngoài ra, các đáp án trong đề thi gần giống nhau nên học sinh dễ bị lừa.

Có tình trạng này là do việc nhận định đánh giá về sự kiện, vấn đề lịch sử còn rất rộng và chưa thật sự thống nhất trong chương trình. Giáo viên đôi khi còn chưa chắc chắn, thì học sinh nhầm lẫn cũng là điều dễ hiểu.

Thầy T.C.N giáo viên mạng lưới một Phòng giáo dục tại Quảng Trị phân tích: "Phương pháp dạy học của giáo viên còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn, chưa thu hút học sinh nên các em có tư tưởng học đối phó".

Cô Lê Thị Thu Thanh, Thạc sĩ môn Lịch sử trường THPT thị xã Quảng Trị cho biết: "Do xu thế xã hội ít coi trọng môn Lịch sử. Người làm giáo dục còn mang tính hô hào chứ chưa tạo cho bộ môn có một vị thế bình đẳng".

Tiếp đến là xu hướng chọn ngành chọn nghề cũng chi phối rất nhiều về điểm số bộ môn. Học Sử nói riêng và các môn xã hội nói chung ra trường dễ thất nghiệp.

"Giới trẻ chỉ thích cái gì thời thượng, không thích quá khứ, cũ kỹ. Mà sách vở thì viết không hay. Tóm lại, nếu tồn tại tình trạng điểm Lịch sử thấp kém như thế này thì sẽ là một tai họa cho tương lai", cô Thanh trăn trở.

 Vì sao điểm trung bình môn Sử thấp nhất?

Báo Thanh Niên dẫn lời Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) cho rằng, không bất ngờ về kết quả này vì nó phản ánh đúng thực tế cách dạy và học hiện nay.

Thạc sĩ Đăng Du cho biết, dù chọn bài thi khoa học xã hội nhưng môn lịch sử không phải là đích ngắm của TS. Điều này có thể minh chứng bằng ví dụ điển hình ở Trường THPT Lê Quý Đôn. Dù trường có 4 lớp đăng ký bài thi này nhưng chưa đến 10 học sinh chọn môn lịch sử là môn trong tổ hợp xét tuyển ĐH. “Do không phải mục tiêu cuối cùng nên TS chỉ cần không bị điểm liệt để hoàn thành việc xét tốt nghiệp mà thôi”, ông Đăng Du cho biết. Thậm chí có học sinh từng “đề nghị”: “Thầy chỉ cần dạy sao cho con đạt 1,5 điểm thôi”!

Tuy nhiên, ông Đăng Du nhận định: “Không thể dùng kết quả này để trách hay đánh giá học sinh không quan tâm, thờ ơ với lịch sử mà điều này phản ánh nhu cầu học của các em”.

HOA HẠ (t/h)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh