Phát hiện thêm nhiều cổ vật ở Di sản thế giới Thành nhà Hồ
- Văn hóa - Giải trí
- 03:19 - 25/06/2015
Thông tin từ Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết, những ngày qua, một số người dân xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc - Thanh Hóa) trong khi đang cày đất để cấy lúa đã phát hiện nhiều cổ vật quí như: đồ gốm sứ, sắt, đá quý, xương…
Vò sành cổ được người dân vô tình phát hiện
(ảnh do Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cung cấp)
Toàn bộ số vò sành đã được phát hiện dưới lớp đất ruộng có chiều cao từ 25-30cm, cổ ngắn, miệng hơi loe, vai phình, thân thon nhỏ dần về đáy. Vò sành có đường kính miệng rộng từ 17-19cm, quanh chân cổ vò có 4 quai bố trí cách đều nhau, phần thân vẽ trang trí hai đường chỉ chìm chạy song song.
Một số lượng lớn bát đĩa cũng đã được tìm thấy tại các khu ruộng. Phần lớn bắt đĩa được tráng men, chân đế để mộc, nhiều chiếc có đường kính rộng tới 20cm, những chiếc bát này được dùng để đậy úp lên trên các vò sành.
Theo đánh giá ban đầu, số cổ vật này có niên đại khoảng thế kỷ thứ X
(ảnh do Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cung cấp)
Đặc biệt, tại đây còn phát hiện một số mảnh gốm cổ Đông Sơn, có niên đại cách đây hàng nghìn năm, được trang trí văn thừng hoặc hoa văn ô trám.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các cổ vật vừa phát hiện tại ruộng lúa của người dân có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 10, trong buổi đầu thời kỳ độc lập tự chủ của đất nước dưới hai vương triều Đinh - Tiền Lê.
Hiện tại, toàn bộ số cổ vật mới phát hiện được Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đưa về kho chỉnh lý để nghiên cứu, trưng bày.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2015, người dân ở làng Đồi Mỏ, xã Vĩnh Long trong quá trình san ủi đất để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp đã phát hiện một số lượng lớn ổ đạn đá súng thần công.
Ổ đạn đá này có dạng hình tròn, bề mặt được mài tương đối nhẵn, có kích thước khá đều nhau, đường kính khoảng 5 - 8 cm, phần lớn được chế tác chủ yếu từ đá vôi. Ngoài ra có thêm một số viên đạn được chế tác từ loại đá khác như sa thạch, đá cuội. Khi so sánh ổ đạn đá này với những viên đạn đá đã khai quật được trước đó tại khu vực thành Nhà Hồ thì đều có sự tương đồng cả về chất liệu, hình dáng, kích thước và kỹ thuật chế tác đá...
Đạn súng thần công được trưng bày tại Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ
Số đạn đá này bước đầu được xác định có niên đại của Nhà Hồ, Thế kỷ thứ 15. Theo một số tư liệu lịch sử, có giả thiết cho rằng, đây là loại đạn quân sự được sử dụng phổ biến của nhà Hồ dùng cho súng thần công do con trai của vua Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng chế tạo ra.
Số hiện vật này nhận được sự quan tâm, chú ý của khá đông du khách, các nhà nghiên cứu về lịch sử và khảo cổ học