Giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện tại cơ sở
- Pháp luật
- 12:37 - 28/08/2023
Đa số học viên cai nghiện ma túy tại thuộc nhiều thành phần và rất phức tạp, có sự khác nhau về trình độ văn hóa, tuổi tác, nghề nghiệp cũng như nguồn gốc xuất thân. Đặc biệt là sau một thời gian dài do ảnh hưởng của việc sử dụng ma túy, dẫn đến tâm thần kinh không ổn định, tâm lý tự ti, mặc cảm hoặc né tránh, khép mình, thiếu cởi mở.
Do vậy, trong quá trình điều trị, cai nghiện ma túy cho người nghiện họ rất cần trang bị về giáo dục giá trị sống các kỹ năng phòng, chống tái nghiện, điều này vô cùng quan trọng và có ý nghĩa. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Cơ sở cai nghiện Ma túy số 7 Hà Nội duy trì trong nhiều năm qua.
Trong quá trình điều trị nghiện, Cơ sở số 7 luôn bám sát nội dung, các quy trình đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, tuyệt đối không để tình trạng học viên bỏ trốn hoặc có những hành vi tiêu cực. Sau khi tiếp nhận học viên vào trung tâm, Cơ sở sẽ phân loại học viên, thăm khám sức khỏe ban đầu sau đó tiến hành cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe. Tiếp đến học viên sẽ được chuyển về Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng.
Tại đây, học viên được học văn hóa, đồng thời được tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, mở rộng hiểu biết… Những học viên chưa biết chữ tham gia học chữ, học các phép tính đơn giản. Cơ sở số 7 cũng tạo điều kiện cho học viên lao động trị liệu bằng cách làm nghề mộc dân dụng, hàn, xây dựng, lắp ráp thiết bị điện... Ngoài thời gian làm việc, học viên tham gia các chương trình văn hóa, thể dục, thể thao.
Tại Cơ sở thực hiện giáo dục theo 5 chuyên đề, giáo dục nhóm sau các bài học giáo dục (tư vấn nhóm), giáo dục cá biệt (tư vấn cá nhân) và sinh hoạt tập thể. Nội dung, chương trình giáo dục chuyên đề bao gồm: Phổ biến nội quy, quy chế cơ sở; rèn luyện lối sống, nếp sống có văn hóa; quan hệ ứng xử trong Cơ sở, đời sống gia đình và xã hội; giáo dục lao động; giáo dục sức khỏe và phòng, chống HIV/AIDS; Phổ biến giáo dục pháp luật đặc biệt về công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện phục hồi, hành vi nhân cách, đạo đức - lối sống, giáo dục giá trị sống, tâm lý, lao động, các kỹ năng phòng chống tái nghiện trước khi chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng…
Các chuyên đề giáo dục của học viên được thực hiện theo hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội về việc thực hiện công tác giáo dục tại các Cơ sở cai nghiện ma túy: đối với học viên bắt buộc học đầy đủ cả 5 chuyên đề, còn đối với học viên tự nguyện do thời gian điều trị ít nên chương trình giáo dục giới hạn học ở 3 chuyên đề: Chuyền đề 1,2 và chuyên đề 5.
Cùng vưới hoạt động giáo dục, Cơ sở còn vận dụng linh hoạt các nguồn lực để bổ sung phong phú các đầu sách, truyện, sách tham khảo... cho thư viện. Trong suốt chặng đường phát triển của cơ sở từ năm 2002 đến nay đã phát triển thành một thư viện lớn, với hàng nghìn đầu sách các loại, thu hút hàng ngày học viên đến thư viện mượn sách và tìm đọc.
Cán bộ thư viện luôn tổ chức tốt các hoạt động thư viện, phân công rõ nhiệm vụ, tận tình hướng dẫn học viên tìm sách, mượn sách, luân chuyển sách, bổ sung đầu sách, tổ chức các hoạt động văn hoá thư viện như: “Tuần lễ đọc sách”, “Quyên góp sách khoa học, sách truyện cho thư viện”, “Hội thi đuổi hình bắt chữ”, “Hội thi học tập và làm việc theo tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh”… đã được đông đảo cán bộ và học viên trong cơ sở tham gia tích cực nhằm tạo điều kiện tốt đáp ứng nhu cầu tìm đọc của cán bộ và học viên trong cơ sở.
Với nguồn tài liệu phong phú, thư viện còn là nơi giải trí lành mạnh, sân chơi bổ ích. Thói quen đọc sách và sự đam mê và yêu thích đọc sách đã giúp cho học viên sau thời gian cắt cơn giải độc và rèn luyện, học tập, lao động trị liệu rèn luyện kỹ năng và thói quen đọc sách, tiếp cận các trí thức mới, có thể tự tin hơn, tư duy tích cự hơn hình thành kĩ năng tự rèn mình để phấn đấu trở thành một công dân có ích bản thân, cho gia đình và cộng đồng.