THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:43

Đà Nẵng:

Gần 70% người sau cai nghiện có việc làm

Nhằm hỗ trợ học viên sau thời gian cai nghiện nhanh chóng hoà nhập cộng đồng, có công ăn việc làm, thành phố còn phối hợp với trường nghề mở các lớp dạy nghề cho học viên.

Nhằm hỗ trợ học viên sau thời gian cai nghiện nhanh chóng hoà nhập cộng đồng, có công ăn việc làm, thành phố còn phối hợp với trường nghề mở các lớp dạy nghề cho học viên.

Theo Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng), toàn thành phố hiện có 455 người đang được quản lý sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú, trong đó 307 người có việc làm, chiếm 67,5%.

Học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng; được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất, được UBND các xã, phường lập đầy đủ hồ sơ, phân công cán bộ đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, giáo dục.

Hàng tháng, các địa phương tổ chức kiểm danh, kiểm diện, thực hiện xét nghiệm ma túy đột xuất đối với người có nguy cơ tái nghiện. Cuối quý, Ban chỉ đạo xã, phường cùng cán bộ đoàn thể được phân công theo dõi, giúp đỡ, giáo dục người sau cai nghiện tiến hành họp, kiểm điểm, nhận xét về quá trình phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của người sau cai nghiện.

Cùng với công tác quản lý tốt người sau cai nghiện tại nơi cư trú, thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở, ngành và địa phương, công tác phòng, chống và cai nghiện ma tuý trên địa bàn TP Đà Nẵng đạt nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết số người nghiện đã phát hiện đều được tổ chức cai nghiện và hỗ trợ giúp đỡ sau cai nghiện, góp phần vào sự ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tính đến nay, toàn thành phố có 1.114 người nghiện (giảm 157 người so với cùng kỳ năm 2022), 1.134 người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý (giảm 775 người so với cùng kỳ năm 2022).

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã tiếp nhận 229 học viên vào cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện công lập, nâng tổng số học viên lên 584 người. Giải quyết cho về 173 (trong đó về đúng thời hạn 147 học viên; chuyển công an di lý và nhận lại 26 học viên). Hiện, Cơ sở xã hội Bầu Bàng quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 411 học viên, trong đó có 373 học viên có Quyết định (39 người ngoài thành phố) và 38 người không có nơi cư trú ổn định đang chờ Quyết định của Tòa án.

Học viên vào cơ sở cai nghiện được lập hồ sơ, phân loại mức độ nghiện, loại ma túy sử dụng, số tiền án, tiền sự… để tổ chức cắt cơn và có kế hoạch cai nghiện, giải pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, triển khai các biện pháp phòng, chống lao, HIV/AIDS, các bệnh truyền nhiễm... được cơ sở cai nghiện quan tâm thực hiện thường xuyên, qua đó không xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo.

Nhằm hỗ trợ học viên sau thời gian cai nghiện nhanh chóng hoà nhập cộng đồng, có công ăn việc làm, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã phối hợp với trường nghề mở 3 lớp nghề điện lạnh và điện ô tô cho 90 học viên; 8 lớp chuyên đề giáo dục sức khỏe, pháp luật, đội hình đội ngũ, kỹ năng phòng tránh tái nghiện cho 160 học viên.

Đồng thời, tiến hành tư vấn cho 1.372 lượt học viên, 43 nhóm với 347 học viên, 41 lượt thân nhân gia đình học viên; tổ chức gặp mặt, trao đổi để gia đình học viên nắm bắt tình hình sức khỏe, quá trình cai nghiện, rèn luyện của con em mình, để từ đó động viên, giúp đỡ học viên ổn định tư tưởng, an tâm cai nghiện.

Công tác chăm lo đời sống tinh thần cho học viên cai nghiện cũng luôn được cơ sở quan tâm hàng ngày như việc học viên xem thời sự, phim ảnh, đọc sách, báo, điện thoại cho gia đình, rèn luyện thể dục, thể thao…

Về công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2023, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố đã lập hồ sơ 12 người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, nâng tổng số người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng lên 29 người (10 người được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình cai nghiện). Hiện, 19 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, trong đó có việc làm 17 người.

Hầu hết địa phương đều tổ chức tương đối tốt việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc và phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn.

Công tác dự phòng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả của tệ nạn ma tuý cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố đã cấp phát 640 quyển sổ tay tuyên truyền kỹ năng phòng tránh ma túy trong học đường và 10.000 tờ rơi về tác hại, hậu quả của tệ nạn ma túy; 29.000 tờ rơi tuyên truyền về lợi ích khi chấp hành quản lý sau cai nghiện ma túy.

UBND các quận, huyện cũng chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy bằng nhều hình thức như: Tuyên truyền những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP cho các đối tượng có nguy cơ cao nghiện ma túy, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và đối tượng quản lý sau cai tại các khu dân cư…

Được biết, theo Kế hoạch về thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2023 - 2025, cùng với công tác tuyên truyền, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu trên 80% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, được điều trị, cai nghiện ma túy, được hỗ trợ sinh kế, tự học nghề…

Trong đó, đối với tiểu dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai và hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy”, thành phố đặt mục tiêu trên 80% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy thích hợp và người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ sinh kế, tự học nghề. Trên 80% người trực tiếp làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Đối với tiểu dự án “Phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy”, thành phố đặt mục tiêu trên 80% số người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận, cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ dự phòng nghiện ma túy. Phấn đấu 100% xã, phường tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng ngừa nghiện ma túy; chú trọng phòng ngừa trong trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi làm việc, cộng đồng… 

TÚ ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh