Giáo dục nghề nghiệp ở Đà Nẵng: Đổi mới để thu hút doanh nghiệp đặt hàng đào tạo
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:14 - 28/08/2018
Đổi mới phương pháp dạy và học, tăng thời gian thực hành theo phương châm “học đi đôi với hành” đang được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Đà Nẵng thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo
Với định vị là trường đào tạo ứng dụng và thực hành, toàn bộ quá trình đào tạo được vận hành theo nguyên lý “học đi đôi với hành” và “gắn tuyển sinh với tuyển dụng, gắn đào tạo với cung ứng nguồn nhân lực”, những năm qua Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng là cái tên được nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng tín nhiệm trong công tác tuyển dụng. Đây cũng là nơi được nhiều học sinh, sinh viên ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên lựa chọn cho sự khởi đầu của sự nghiệp tương lai.
Trong khi không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó trong công tác tuyển sinh thì tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, công tác này luôn thuận lợi, tuyển sinh mỗi năm đều tăng với số lượng tuyển sinh mới hằng năm đạt trên 1.500 học sinh, sinh viên, đảm bảo qui mô đào tạo ở mức 4.000 học sinh, sinh viên/ năm. Điều đáng nói, tỷ lệ sinh viên có việc làm ở Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp hàng năm ở mức cao với trên 93,5% (theo kết quả lần vết học sinh sinh viên sau khi tốt nghiệp 6 tháng). Hầu hết học sinh, sinh viên đều có việc làm phù hợp với nghề nghiệp đã học và thu nhập tương đối ổn định.
Ông Hồ Viết Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, để có được những kết quả này chính là hiệu ứng từ hàng loạt những giải pháp đòn bẩy đột phá trong công tác đào tạo nghề mà trường đã triển khai nhằm nâng cao khả năng sinh viên được tuyển dụng ngay khi ra trường. Đây là cách mà nhà trường thu hút doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, thu hút lao động tham gia học nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng thị trường lao động. Trong đó, vấn đề không kém phần quan trọng đó chính là gắn kết đào tạo với doanh nghiệp để cơ cấu lại chương trình theo hướng hiện đại hóa, tiếp cận chương trình đào tạo nghề theo năng lực thực hiện và các yêu cầu của doanh nghiệp để điều chỉnh nội dung bổ sung chương trình đào tạo.
Học sinh tìm hiểu nghề tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp Đà Nẵng 2018
Với nguyên lý thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo dựa trên nguyên tắc lấy sinh viên làm trung tâm, theo kết quả thực hiện, dựa trên dữ liệu thu thập, theo nhu cầu của thị trường, các chính sách, thủ tục, kết quả làm việc sau khi tốt nghiệp… chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng có thời lượng thực hành kỹ năng chiếm trên 75%. Các kiến thức, kỹ năng, thái độ trong các bộ chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế sản xuất tại doanh nghiệp, phù hợp với công nghệ hiện tại.
Đáng nói, nhờ đổi mới cách tiếp cận trong việc tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, linh hoạt trong việc bố trí các môn học, mô đun trong chương trình đào tạo học tại các doanh nghiệp với mỗi chương trình đào tạo luôn có từ 20 – 30% thời lượng học tại doanh nghiệp, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng luôn “đắt hàng” tại các phiên chợ việc làm được tổ chức.
Trần Thu Hương (quê Quảng Nam), cựu sinh viên ngành Kế toán doanh nghiệp Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết khá tự tin với tấm bằng, kiến thức cũng như những kỹ năng học được ở trường khi đi xin việc. “Em nộp hồ sơ vào ba doanh nghiệp thì hiện cả ba doanh nghiệp đều gọi đi thử việc. Em đang cân nhắc mức lương cũng như điều kiện, môi trường làm việc nào phù hợp hơn với mình rồi mới quyết định” – Hương chia sẻ.
Đổi mới để thu hút doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, nhà trường đào tạo những gì mà doanh nghiệp và xã hội đang cần chứ không phải đào tạo những gì mình đang có, Th.S Lê Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng cho rằng, thực tế trước đây nhiều trường chỉ tìm đến doanh nghiệp khi cần nơi thực tập cho sinh viên và ngược lại, doanh nghiệp cũng chỉ khi có nhu cầu mới tìm đến nhà trường. Thực tế này khiến “mối duyên” nhà trường – doanh nghiệp dường như khá mờ nhạt và khó có thể hiệu quả. Bằng chứng là cung – cầu thị trường lao động không thể gặp nhau.
Xuất phát từ những lý do đó, ông Trung cho biết, những năm gần đây Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đã tập trung xây dựng lại chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với thực tế, đảm bảo sinh viên được trang bị đủ những kiến thức, kỹ năng để đảm nhiệm vị trí xác định tại doanh nghiệp như một lao động chính thức khi đến thực tập tại doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, cho thấy tính hiệu quả đáng kể. 86% sinh viên của trường có việc làm ngay trong 3 tháng đầu sau khi tốt nghiệp. “Năm 2017 trường có gần 200 sinh viên tốt nghiệp thì ngày nhận bằng có gần 20 doanh nghiệp đến tuyển dụng với hơn 700 vị trí việc làm. Mỗi sinh viên có tới 4 lựa chọn” – ông Trung nói.
Công nghệ yêu cầu doanh nghiệp luôn phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả công việc. Chính vì vậy, cùng với việc thường xuyên cập nhật những cải tiến về máy móc, chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn tại doanh nghiệp, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Đà Nẵng đã có những cách làm riêng để thu hút doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, từ đó tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh, người lao động khi lựa chọn cho con em và bản thân con đường học nghề để lập nghiệp.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 21 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tổng quy mô tuyển sinh đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là gần 70.000 học sinh, sinh viên với 298 ngành nghề đào tạo ở các cấp trình độ khác nhau.