Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018: “Cú hích” về chất lượng
- Giáo dục nghề nghiệp
- 03:25 - 22/08/2018
ảnh minh họa
Đây là một trong những hoạt động định kỳ 3 năm một lần, nhưng lại là hội giảng đầu tiên thực hiện luật Giáo dục nghề nghiệp, qui mô lớn hơn, số ngành nghề thi tăng, có một số ngành, nghề mới được bổ sung nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp ở nước ta. Hội giảng năm 2018 được kỳ vọng là một hoạt động chuyên môn đỉnh cao, tạo “cú hích” nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, khuyến khích, động viên nhà giáo học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ. Đặc biệt là khuyến khích nhà giáo phấn đấu có đủ năng lực dạy học tích hợp, áp dụng nhuần nhuyễn phương pháp, kỹ năng giảng dạy theo năng lực thực hiện, đáp ứng yêu cầu đào tạo theo năng lực thực hiện.
Hội giảng năm 2018 sẽ là nơi giúp các nhà giáo có cơ hội giao lưu, thi thố tài năng, trao đổi kinh nghiệm về dạy học, phát hiện các phương pháp giảng dạy, thiết bị, đồ dùng dạy học có hiệu quả để phổ biến, áp dụng rộng rãi trong toàn ngành. Đây là một hoạt động thường niên giúp cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đánh giá được năng lực giảng dạy thực tế của đội ngũ nhà giáo, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ.
So với các Hội giảng trước, Hội giảng lần này có những bước phát triển đáng kể về quy mô lẫn chuyên môn, thể hiện ở một số nét đặc trưng sau đây:
Về quy mô: hiện có 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký tham gia Hội giảng. Số giáo viên có bài giảng là 370, thuộc 90 nghề, đang giảng dạy tại hàng trăm cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Quy mô giáo viên, giảng viên và cơ cấu bài giảng tham gia Hội giảng lần này cho thấy đội ngũ nhà giáo đã có những bước chuyển biến tích cực về số lượng, cơ cấu, chất lượng. Ngoài tổ chức các hoạt động của Hội giảng, Ban tổ chức còn bố trí cho các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thiết bị dạy nghề, các doanh nghiệp khác có nhu cầu tới giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại Hội giảng. Đây là cơ hội cho các nhà quản lý, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo viên, giảng viên dạy nghề trên toàn quốc có dịp lựa chọn thiết bị, doanh nghiệp có uy tín cung cấp thiết bị dạy nghề phù hợp với chương trình đào tạo. Theo dự báo, lưu lượng các đoàn khách tới tham quan các hoạt động Hội giảng lên tới 1.600 người, tăng hơn Hội giảng các năm trước đây.
Về ngành nghề: Hội giảng năm 2018 đã đề cập và mở rộng đến hầu hết các nghề, nhóm nghề như: Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử; Kỹ thuật điện; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật Hàn; Quản lý kinh doanh - Kế toán - Tài chính; Nông, lâm nghiệp và Thủy sản; Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng; Động lực; Ô tô (các bài giảng của nghề Công nghệ ô tô); Điều dưỡng - Hộ sinh; May và Thiết kế thời trang...
Về nội dung: Giáo viên, giảng viên tham gia Hội giảng thực hiện bài giảng được lựa chọn trong chương trình đang giảng dạy thuộc các môn kỹ thuật cơ sở nghề, lý thuyết chuyên môn nghề và thực hành nghề... được các tỉnh, thành phố lựa chọn và đăng ký với Ban tổ chức Hội giảng. Những vấn đề trên đặt ra cho hội giảng lần này đối diện với một số thách thức như: Qui mô lớn, các điều kiện chuẩn bị phức tập hơn; nhiều nghề, nhóm nghề dự thi việc huy động chuyên gia, các lực lượng khác khó khăn hơn; thời gian tổ chức dài chi phí lớn hơn; thách thức giữa tăng qui mô và đòi hỏi nâng cao chất lượng; công tác tổ chức phải khoa hoc, hợp lí, thuận lợi, việc ứng dụng công nghệ thông tin dược chú trọng, nhưng còn có những khó khăn nhất định về điều kiện...
Để hội giảng đạt được kỳ vọng và tạo ra “cú hích” nâng cao chất lượng theo chúng tôi cần ráo riết giải quyết các thách thức đã nêu, khẩn trương thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, kiên quyết khắc phục những hạn chế của các hội giảng trước đây và các thách thức đặt ra: cần lựa chọn thầy cô có trình độ, nắm vững chuyên môn và phương pháp giảng dạy đại diện cả ba vùng, miền (Bắc, Trung, Nam) mà nòng cốt là một số chuyên gia có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm,uy tín; là giảng viên hạt nhân đang giảng dạy tại các cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề trên toàn quốc tham gia hội đồng giám khảo; sớm tổ chức tập huấn cho nhà giáo tham gia hội đồng giám khảo để thống nhất tổ chức đánh giá theo tiêu chí cho từng loại bài giảng, chất lượng đánh giá đồng đều. Việc đánh giá bài giảng theo tiêu chí, tập trung chủ yếu vào đánh giá công tác chuẩn bị: hồ sơ, đồ dùng, thiết bị giảng dạy, xác định mục đích, yêu cầu có phù hợp với nội dung bài giảng không? chuẩn bị có hợp lý để tiến hành tốt bài giảng không? Việc tiến hành bài giảng phải phù hợp với mục đích, yêu cầu và trình độ học sinh, khối lượng kiến thức đưa ra trong một tiết giảng, bảo đảm độ chính xác, khoa học gắn với thực tiễn, trình bày logic với phong thái đĩnh đạc, tự tin, ngôn từ chính xác, rõ ràng, mạch lạc, có sự chuyển tiếp hợp lý, sinh động, hấp dẫn, trình bày đẹp, sử dụng hài hoà, triệt để đồ dùng, thiết bị giảng dạy, xử lý tốt mọi tình huống sư phạm, đặc biệt phát huy tính tích cực của học sinh, sinh viên, gây hứng thú cho người học, hiệu quả bài giảng cao. Thời gian thao giảng đảm bảo khung thời gian qui định không?...
Hai là, về sử dụng phương tiện dạy học: các mô hình, học cụ đưa đến Hội giảng phải bảo đảm có chất lượng tốt nhất, sát thực tế, phản ánh các tiêu chí cơ bản của thiết bị dạy nghề như tính sư phạm, tính thực tiễn, tính thẩm mỹ. Hội giảng khuyến khích nhà giáo có bài giảng ở các ngành nghề đang phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại như công nghệ thông tin, cơ điện tử. Sử dụng thiết bị hợp lí, khoa hoc, không thừa, không thiếu, trách lạm dụng…
Ba là về giải thưởng: Cần sớm công bố số lượng giải, phần thưởng các loại cho cá nhân, tập thể, kể cả các giải thưởng cá biệt như: giải cho giáo viên có bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả nhất; giải cho giáo viên có sử dụng đồ dùng, thiết bị tự làm mang tính sáng tạo, đạt hiệu quả cao.
Bốn là, về công tác tổ chức: Để Hội giảng diễn ra theo dự định, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và thành phố Hà nội cần chỉ đạo chuẩn bị chu đáo mọi việc có liên quan. Được biết đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản được triển khai và thông tin tới các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở dạy nghề, từ nội dung, chương trình, khai mạc, hội giảng, bế mạc tới các điều kiện về đi lại, ăn ở, cơ sở vật chất phục vụ cho Hội giảng. Hoạt động Hội giảng chủ yếu được diễn ra tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội. Lễ khai mạc, bế mạc diễn ra tại Nhà hát Âu cơ của thành phố Hà nội và sẽ được truyền hình trực tiếp, nhưng cần nắm bắt thật chắc diễn biến để kịp thời hướng dẫn, xử lý.
Năm là, Các đoàn tham gia hội giảng cần nắm chắc qui định, hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt với nổ lực cao nhất.
Sáu là, việc lưu trữ và sử dụng các bài giảng tốt nên số hóa, ứng dụng, nhân rộng bằng nhiều cách phù hợp. Giáo viên, giảng viên tham gia hội giảng cải thiện ngay được chất lượng giảng dạy, sau hội giảng toàn ngành phải tạo được “cú hích” nâng cao chất lương đào tạo.
Hội giảng 2018 thành công sẽ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong thi đua dạy tốt ở các cấp, là một hoạt động có tính chuyên môn sâu sắc, có tính phong trào rộng khắp nhằm tiếp tục đánh giá và phân loại năng lực giảng dạy của nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn đánh giá bài giảng. Thông qua Hội giảng lần này, tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên nòng cốt cho phong trào thi đua dạy tốt, cũng như tìm ra những điểm yếu còn tồn tại trong đội ngũ để hoàn thiện hệ thống các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 ở cả 3 cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng của doanh nghiệp và thị trường lao động, thích ứng linh hoạt với nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0.