CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Gian nan đường về của phụ nữ bị buôn bán người

Nạn nhân buôn bán người được cơ quan chức năng đưa về.

 

Khó hòa nhập cộng đồng

Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, 15 tuổi, Lò Thị M (ở Sơn La) đã phải nghỉ học kiếm sống. Nghe theo lời rủ rê của người bạn mới về một cuộc sống giàu sang nơi xứ người, Lò Thị M đã không hề hay biết mình đã bị bán sang Trung Quốc. Những ngày tháng ở bên xứ người M đã bị bán hết nhà thổ này đến nhà thổ kia và cuối cùng M đã phải lấy người đàn ông bằng tuổi cha mình làm chồng, cuộc sống vô cùng cực khổ. Người thân của M tưởng con đã chết, họ lập bàn thờ cho M. Đến khi thoát được quay trở về, M trở thành kẻ vô gia cư bởi đất cát ở quê bố mẹ đã chia cho các anh, em khác. Chị không biết làm gì. Thậm chí, khi người xung quanh biết chị bị bán sang Trung Quốc họ còn dị nghị, soi mói đủ thứ. Chị Ng. rơi vào cảnh bơ vơ giữa quê hương. May mắn M đã được đến với Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tại đây, M được học nghề và những kỹ năng cơ bản để hòa nhập cuộc sống.

Theo thống kê, từ 2011 đến nay, lực lượng chức năng Việt Nam khám phá hơn 3.200 vụ, đưa ra xét xử 2.000 vụ, với trên 3.500 bị cáo liên quan mua bán người. Trong đó, 80% số vụ mua bán người rồi đưa qua Trung Quốc, Lào, Campuchia với các thủ đoạn xuất cảnh lao động, bán phụ nữ làm vợ, ép bán dâm, xuất cảnh bằng du lịch, thăm thân nhân rồi bán sang nước thứ 3…Tính trong 10 năm qua, số lượng người bị mua bán ở Việt Nam lên gần 4.000 người. Tuy nhiên, trong số đó mới có hơn 1000 người trở về.

Các nạn nhân của việc buôn bán người thường đều đã từng phải trải qua tình trạng bị cưỡng bức; bị tra tấn; nợ nần; bị giam cầm bất hợp pháp; bạn bè và gia đình bị đe doạ; bị bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý. Hậu quả là, nạn nhân phải hứng chịu những tổn thương về sức khoẻ và tâm lý nặng nề, có những trường hợp dẫn đến cái chết. Đối với những nạn nhân may mắn được trở về địa phương, việc tái hoà nhập của họ cũng gặp muôn vàn khó khăn.

Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Action Aid Việt Nam tại 4 tỉnh: Điện Biên, Cao Bằng, Hải Phòng và Vĩnh Long, chỉ có 20,4% số nạn nhân trở về đã ổn định và hoà nhập với cộng đồng. Số còn lại gặp rất nhiều vấn đề như thiếu việc làm do không tìm được công việc phù hợp ở địa phương hoặc do tình trạng sức thiếu, mất đất sản xuất, thiếu chỗ ở, bị bệnh tật, sức khoẻ yếu hoặc gặp các khó khăn khác như thiếu giấy tờ tuỳ thân, gia đình không ổn định...

 

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lao Cai phát tờ rơi tuyên truyền về tội phạm buôn bán phụ nữ tại phiên chợ vùng cao.

 

“Phòng bệnh, hơn chữa bệnh”

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng. Đó là: Hỗ trợ nạn nhân gắn với công tác tiếp nhận; hỗ trợ tại Trung tâm nhà tạm lánh dành cho nạn nhân; lồng ghép việc hỗ trợ nạn nhân trở về với các chương trình hoạt động của Hội Phụ nữ địa phương như: Dạy nghề cho lao động nữ, cho vay vốn xoá đói giảm nghèo (trong đó có phụ nữ nguy cơ, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ bị buôn bán trở về, gia đình nạn nhân) gắn với truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng sống. Riêng đối với các trường hợp nạn nhân trở về có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, một số địa phương đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế để có gói hỗ trợ trị giá từ khoảng từ 300 đến 500 USD…

Tuy nhiên, các chương trình, dự án được triển khai tại nhiều địa phương không mang tính bền vững khi mà thời gian triển khai dự án ngắn, đối tượng hưởng lợi bị hạn chế. Khi dự án kết thúc thì các đối tượng không thể tự lập cho cuộc sống của mình. Hoặc có những chương trình như đào tạo nghề lại chưa xem xét tới yếu tố phù hợp của nghề đào tạo với điều kiện thực tế của địa phương nên học viên sau khi được đào tạo cũng không thể vận dụng để sinh sống. Hơn nữa, nạn nhân bị buôn bán chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thái độ, kiến thức và hành vi của cộng đồng đối với họ. Chính vì thế, nếu chỉ tập trung vào nạn nhân mà không có những hoạt động tác động vào cộng đồng nơi nạn nhân sinh sống thì khả năng nạn nhân tiếp tục bị buôn bán hoặc rời bỏ cộng đồng là rất cao.

Để giải “bài toán” tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân trong các vụ buôn bán người, theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên cho rằng trước tiên chúng ta cần xác định, “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trong đó, các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền về các thủ đoạn của bọn buôn bán người cho các đối tượng nằm trong phạm vi ảnh hưởng. Đó là các nữ sinh trong các trường cấp 2, cấp 3, phụ nữ chưa có gia đình nằm trong độ tuổi sinh đẻ từ 18 – 30, nhất là các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa vùng lõm thông tin.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ đối với các nạn nhân của tội phạm buôn bán người, chú trọng đầu tư nhiều hơn cho các dịch vụ xã hội. Các địa phương cần tăng cường đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cho các nhà tạm lánh, các trung tâm bảo trợ xã hội. Để các nạn nhân khi có nhu cầu có thời gian, không gian phục hồi tâm lý, sức khỏe trước khi tái hòa nhập cộng đồng.

 “Chúng ta cũng cần nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác xã hội để họ có đủ kiến thức tiếp cận, chia sẻ với các nạn nhân buôn bán người và có đủ hiểu biết pháp luật nhằm can thiệp với cộng đồng, tổ chức xã hội, cơ quan tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng buôn bán bán người” – bà Vân Anh đề xuất.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh