THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:28

Hám lấy chồng ngoại, nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của buôn bán người

 

Nhức nhối nạn buôn bán người

Đầu năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Mong Thị May Khăm trú bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) về hành vi ''Mua bán người trái phép''.

Từng là nạn nhân của buôn bán người, tháng 8/2013, Moong Thị May Khăm từ Trung Quốc trở về thăm gia đình tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) thì gặp chị Moong Thị Ly (SN 1996, trú tại bản Huồi Thum, xã Na Ngoi, Kỳ Sơn). Khăm hỏi chị Ly có muốn đi lấy chồng Trung Quốc không, nếu đồng ý đi thì Khăm sẽ lo cho cuộc sống sung sướng. Không lâu sau, Khăm đưa chị Ly đi sang Trung Quốc, ở nhà chồng May Khăm được 3 ngày thì Khăm đưa người đàn ông Trung Quốc đến xem, bán chị Ly với 4 vạn nhân dân tệ.

Với chiêu trò trên, khoảng tháng 7/2014, Khăm tiếp tục bán chị Moong Thị Tích (SN 1990, trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) với số tiền 40 triệu đồng… Cho đến khi bị cơ quan Công an huyện Kỳ Sơn khởi tố Khăm đã thực hiện trót lọt 4 vụ mua bán người ra nước ngoài. Đó là một trong số các vụ buôn bán người được cơ quan công an phát hiện trong năm 2017.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2011 đến hết năm 2016, cả nước có trên 81 nghìn người Việt Nam kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó 78,02% tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Tây Nam bộ; kéo theo đó, dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả,... các đối tượng tội phạm mua bán người đã lợi dụng thiết lập đường dây tội phạm mua bán người xuyên quốc gia. Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát ( Bộ Công an): Trung bình mỗi năm, nước ta phát hiện khoảng 500 vụ phạm tội với hơn 700 đối tượng, lừa bán trên 1.000 nạn nhân. Từ đầu năm 2011 đến tháng 6/2017, cả nước xảy ra hơn 2.700 vụ mua bán người, lừa bán gần 6.000 nạn nhân, trong đó có 477 vụ mua bán người vì mục đích hôn nhân (chiếm 16,27%), lừa bán trên 1.140 nạn nhân. Đặc biệt, hơn 80% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và nhất là Trung Quốc (chiếm 70%).

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ là những điểm nóng về vấn đề này. Nạn nhân của các hoạt động tội phạm mua bán người là phụ nữ, trẻ em và cả trẻ sơ sinh, với nhiều hình thức như môi giới hôn nhân, kết hôn giả... Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi kết hôn ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống còn hạn chế đã bị dụ dỗ, lừa gạt, bị bán ra nước ngoài làm vợ bất hợp pháp, bán vào tụ điểm mại dâm, trở thành nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động và thậm chí mua bán nội tạng.

 

Nạn nhân bị buôn bán được đưa về qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh.


Xóa trào lưu thích lấy chồng ngoại

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Xác định nhiệm vụ phòng chống mua, bán người là một nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chọn năm 2017 là năm để các lực lượng tập trung vào lĩnh vực phòng, chống mua bán người thông qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Trong đó, Hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là công tác phòng ngừa thông qua hỗ trợ phát triển kinh tế, tổ chức tư vấn về ngôn ngữ, văn hoá, pháp luật... cho phụ nữ trước khi kết hôn với người nước ngoài, nhất là những phụ nữ còn khó khăn, phụ nữ vùng nông thôn, miền núi.

Bà Tuyết cho rằng, các ban, ngành địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm; tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng ngừa mua bán người ngay từ hộ gia đình, đặc biệt cần có những biện pháp hỗ trợ thiết thực đối với những nạn nhân bị mua bán, phụ nữ có hôn nhân bất hạnh ở nước ngoài trở về Việt Nam an toàn và sớm hoà nhập cộng đồng...

Theo thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, trong đó môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài còn diễn biến phức tạp và quốc tế hóa. Vì vậy, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về mua bán người; đồng thời cần đẩy mạnh công tác truyền thông, làm thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi, xóa bỏ trào lưu "thích lấy chồng ngoại". Các cơ quan cần nhanh chóng thiết lập đường dây nóng để kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý vụ việc; tăng cường quản lý cư trú người nước ngoài, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý chặt chẽ các ngành nghề hoạt động. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh bắt giữ, chuyển giao tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bảo hộ, giúp đỡ cô dâu Việt Nam kết hôn ở các nước sở tại.

 

Cả nước có 17 trung tâm hỗ trợ kết hôn nước ngoài

Theo Hội LHPN Việt Nam, hiện trên cả nước có 17 Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Trong đó, riêng các tỉnh/thành phía Nam có 11 trung tâm. Các trung tâm đã tư vấn cho hơn 15.000 trường hợp liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài, có 2.113 trường hợp hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn, 210 trường hợp hoàn thành thủ tục ly hôn. Đa số phụ nữ đến trung tâm để tư vấn, đăng ký kết hôn có độ tuổi từ 18-30 tuổi và phần lớn ở nông thôn, không có việc làm ổn định.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh