Người lao động gian nan đòi quyền lợi
- Bài thuốc hay
- 14:25 - 16/11/2016
Trong rất nhiều vụ tranh chấp, người lao động (NLĐ) bị thiệt thòi nhưng việc đấu tranh đòi quyền lợi vô cùng gian nan. Sự can thiệp của các cơ quan chức năng trong nhiều trường hợp khá hạn chế và NLĐ chỉ có cách khởi kiện. Song, việc kiện tụng không đơn giản khi NLĐ vừa phải mưu sinh vừa theo đuổi vụ kiện. Thậm chí, đôi khi họ thắng kiện nhưng vẫn không đòi được quyền lợi.
Bỏ cuộc vì quá nhiêu khê
Tháng 10 vừa qua, công nhân (CN) Công ty Asia Garment (quận 12, TP HCM) không đồng tình với cách tính lương mới của công ty. CN cho rằng công ty không thông báo chính thức và chi tiết cách tính lương mới theo sản phẩm trong khi luật định nếu muốn thay đổi cách tính lương, công ty phải thông báo chính thức, công khai và áp dụng thử trước khi thực hiện. Tranh chấp diễn ra suốt một tuần, các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng kết quả cũng chỉ dừng lại ở mức “hòa giải không thành” và hướng dẫn CN kiện ra tòa.
Theo hướng dẫn này, rất nhiều CN đã viết đơn nhưng sau đó hầu như đều bỏ cuộc. Là một trong nhiều người nhiệt tình lúc đầu, anh Nguyễn Hoàng Khen tỏ ra ngao ngán: “Bất bình công ty tiền hậu bất nhất nên làm đơn thôi chứ sức đâu mà kiện. Chúng tôi là CN, tiền bạc đâu có dư dả để theo kiện, thuê luật sư? Do vậy, lúc đầu tập hợp được gần 100 đơn nhưng qua vài ngày sau thì mọi người đi tứ tán hết, liên lạc không được”.
Bà Trần Thị Kim Ngân (Công ty CP Nhựa Tân Hóa) không hy vọng đòi được quyền lợi
Cũng gặp tình huống tương tự, anh Nguyễn Quang Nghĩa Bình (nguyên nhân viên Công ty USA - NIC Pharma) kể: “Tôi làm việc cho công ty hơn 11 năm, đến khi xin nghỉ việc mới biết hơn 4 năm đầu, công ty không đóng BHXH cho mình. Tôi gửi đơn khiếu nại nhiều nơi nhưng không nơi nào giải quyết. Cuối cùng, họ cũng hướng dẫn tôi đi kiện”.
Anh Bình cho biết đã gõ cửa nhiều nơi cốt sao có cơ quan chức năng nào đó can thiệp, chứ đi kiện thì anh hoàn toàn không mong muốn. “Kiện thì phải có hợp đồng lao động trong tay, trong khi bao nhiêu năm làm việc, mỗi khi ký hợp đồng xong, công ty không trả lại, tôi cũng không đòi nên giờ chẳng có gì làm căn cứ. Thôi đành bỏ” - anh Bình tâm sự.
Thắng kiện cũng như không
Ông Hồ Văn Tiển và bà Trần Thị Kim Ngân từng làm việc cho Công ty CP Nhựa Tân Hóa nhiều năm trước khi công ty cổ phần hóa. Khi ngừng hoạt động, công ty cho NLĐ nghỉ việc và hứa 6 tháng sau sẽ thanh toán trợ cấp mất việc. Hứa vậy nhưng cả năm sau, công ty vẫn không trả đồng nào.
“Chúng tôi kiện, tòa công nhận thỏa thuận giữa hai bên, theo đó công ty sẽ trả trợ cấp cho chúng tôi nhưng sau đó không trả. Tòa chuyển cho thi hành án (THA) quận 6, TP HCM từ tháng 7-2015 đến nay nhưng chẳng thấy động tĩnh gì” - bà Ngân cho biết.
Theo Chi cục Thi hành án (THA) Dân sự quận 6, Công ty CP Nhựa Tân Hóa đã ngừng hoạt động, tài sản đang thế chấp tại ngân hàng. Bên cạnh đó, công ty này đang bị một công ty mua bán nợ khởi kiện, vì vậy việc THA không thể tiến hành được.
“Bao nhiêu lần tôi và ông Tiển đến cơ quan THA đều chỉ nhận được câu trả lời “phải chờ” nhưng không biết chờ đến bao giờ. Trước đây, có hơn 60 người cùng tham gia, theo thời gian, mọi người cũng nản nên bỏ cuộc. Có người vì xa xôi cách trở; có người thì già cả, ốm đau; thậm chí có người không biết chữ, không biết đường sá, đơn thư phải nhờ người khác làm giùm nên ai cũng nản. Hồi đó, tôi thương công ty khó khăn nên mới đồng ý cho họ hẹn 6 tháng, rồi 1 năm. Trong suốt thời gian đó, bao nhiêu nguyên vật liệu, hàng hóa có giá trị tại xưởng, công ty âm thầm chuyển đi hết, đến giờ thì mình ôm hết phần thiệt” - bà Ngân than thở.
Cơ quan THA cũng... bó tay
Trường hợp ông Vũ Nam Hải (thợ máy Công ty CP XD CTGT 710) cũng được tòa xử thắng kiện nhưng cuối cùng vẫn không nhận được gì. Làm việc từ năm 1988, khi sức khỏe yếu, năm 2013, ông xin nghỉ và bị công ty nợ trợ cấp thôi việc, không chốt sổ BHXH.
“Khi THA, vì cái tình, tôi chấp nhận cho công ty trả dài hạn nhưng công ty chỉ trả được 20 triệu đồng rồi thôi luôn. Tôi lên xuống cơ quan THA quận Bình Thạnh cũng chỉ được trả lời miệng là phải chờ. Có khi tôi bệnh rồi chết luôn cũng không nhận đủ quyền lợi” - ông Hải lo ngại.
Điều đáng nói, theo ông Hải và nhiều công nhân công ty, ngoài tài sản là các trạm xưởng đặt nhiều nơi, ngay trụ sở Công ty 710 tại 127 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh vẫn đang có các hoạt động cho thuê mặt bằng, thương mại, gửi xe tháng có nguồn thu đáng kể. Thế nhưng, cơ quan THA vẫn không thu hồi được.
Bà Trần Thị Hằng, chấp hành viên Chi cục THA quận Bình Thạnh, cho rằng vụ việc tại Công ty 710 chưa THA được là vì còn “vướng” nhiều thứ. Trong đó, các phần cho thuê gửi xe, kho bãi… chưa xác định được vì không biết ranh đất của 710 nằm ở đâu. Còn cửa hàng điện thoại ngay mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng là cho Viettel thuê. Bên Viettel trả lời cơ quan THA phải xuất hóa đơn (?) thì mới chuyển tiền. “Chúng tôi trả lời bằng văn bản là chỉ cung cấp phiếu thu thôi chứ không thể cung cấp hóa đơn. Họ không thực hiện thì chúng tôi cũng chẳng làm gì được!” - bà Hằng băn khoăn.